Sẵn sàng “đón” nguồn điện gió trong khu vực

Khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên được coi là “vựa điện gió” của cả nước, chính vì thế đã có nhiều dự án được đầu tư xây dựng tại đây. Trước ngày 1/11/2021 là thời hạn cuối cùng để các nhà máy vào vận hành thương mại (COD) để được hưởng giá bán điện ưu đãi của Chính phủ. Để đáp ứng mục tiêu này, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhiều kinh nghiệm quý báu từ “cơn lốc điện mặt trời” năm 2019

Ông Nguyễn Công Thắng – Giám đốc PTC3 cho biết: Hiện nay, có 23 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 2.254,2MW đăng ký đấu nối vào lưới điện do PTC3 quản lý vận hành (chiếm khoảng 40% tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của nhà máy điện gió vào hệ thống điện quốc gia), trong đó có 4 nhà máy đã đóng điện vận hành với tổng công suất 586,2 MW.

Để đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải trong bối cảnh các nguồn điện gió vào vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021, PTC3 đã cử các cán bộ có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong các khâu thỏa thuận thiết kế kỹ thuật, thỏa thuận các phương án thi công cũng như công tác kiểm tra điều kiện đóng điện điểm đấu nối.

Công ty đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các thủ tục pháp lý cũng như yêu cầu về mặt kỹ thuật, kịp thời phát hiện và khắc phục các nguy cơ không đảm bảo an toàn nhằm đảm bảo chất lượng của các công trình đấu nối vào lưới điện truyền tải, tránh xảy ra các sự cố trong quá trình thi công, đóng điện nghiệm thu và vận hành của các nhà máy điện gió đấu nối vào lưới điện truyền tải.

Công ty đã tăng cường công tác kiểm tra, vệ sinh bảo dưỡng; công tác thí nghiệm định kỳ các thiết bị tại trạm biến áp và đường dây truyền tải để kịp thời phát hiện và xử lý các bất thường của các thiết bị, đặc biệt đối với các đường dây có nhiều Nhà máy điện gió đấu nối chuyển tiếp, vận hành tải cao. Chủ động thực hiện sửa chữa lớn sửa chữa thường xuyên, thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn trước thời điểm các nhà máy điện gió phát điện lên lưới truyền tải đảm bảo công tác vận hành an toàn.

Công ty tăng cường theo dõi trào lưu công suất, phối hợp với các Trung tâm điều độ có phương thức vận hành hệ thống điện phù hợp, tránh quá quá tải cục bộ các thiết bị, đường dây truyền tải; đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn và truyền tải tối đa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, Công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý vận hành để thực hiện kiểm tra sửa chữa đường dây không phải cắt điện như: Vệ sinh cách điện hotline, kiểm tra các thiết bị tại các trạm biến áp, đường dây truyền tải bằng thiết bị bay không người lái UAV, …

Ông Nguyễn Công Thắng – Giám đốc PTC3 cho biết: PTC3 đã có được rất nhiều kinh nghiệm quý báu được rút ra khi các nguồn điện mặt trời vào vận hành năm 2019 để chuẩn bị cho các nguồn điện gió trong giai đoạn này. Cụ thể, Công ty thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành ngay từ khâu thỏa thuận thiết kế kỹ thuật, thỏa thuận phương án thi công; cũng như trong quá trình thực hiện thi công, nghiệm thu đóng điện điểm đấu nối.

Công ty cũng đã tổ chức Hội thảo trao đổi công tác phối hợp quản lý vận hành lưới điện truyền tải có đấu nối các nhà máy năng lượng tái tạo trên lưới do PTC3 vận hành nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm công tác phối hợp vận hành giữa PTC3. Tham dự có đại diện hàng chục chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối và các Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ miền Trung, miền Nam, qua Hội nghị đã trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành, chia sẻ những khó khăn vướng mắc để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Công nhân PTC3 vệ sinh đường dây 500kV Pleiku – Di Linh. Đây là đường dây có ý nghĩa quan trọng trong giải tỏa công suất nhà máy điện gió khu vực Tây Nguyên

Còn nhiều thách thức cần sự phối hợp chặt chẽ

Theo phân tích của Công ty Truyền tải điện 3, việc đóng điện các nhà máy điện gió sẽ gây ra sự gia tăng đột biến của loại hình nguồn điện này dẫn đến nhiều vấn đề trong vận hành hệ thống điện như: đầy và tải, quá tải dài hạn, quá tải vượt 120% nhiều đoạn đường dây 220kV nguồn điện gió đấu nối, lưới điện tổn thất tăng cao, điện áp thấp, nguy cơ mất ổn định và nhất là cắt điện sửa chữa lưới điện vận hành rất yếu nếu không điều chỉnh công suất truyền tải.

Ngoài ra khi các dự án đồng loạt triển khai gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành trong việc bố trí nhân sự phối hợp thỏa thuận thiết kế kỹ thuật, thỏa thuận phương án thi công, nghiệm thu đóng điện các điểm các điểm đấu nối. Đặc biệt là công tác đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong quá trình cắt điện phục vụ thi công, thí nghiệm các điểm đấu nối.

Cùng với đó, Công ty phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây còn non tải. Điều này làm giảm độ tin cậy của hệ thống và tiềm ẩn nguy cơ sự cố và làm tăng tổn thất điện năng.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý vận hành phải cường tần suất kiểm tra, theo dõi thiết bị TBA; kiểm tra đường dây, đo nhiệt độ tiếp xúc lèo, mối nối và kiểm tra hành lang tuyến để xử lý hiện tượng bất thường đảm bảo lưới điện không xảy ra sự cố. Nhân viên vận hành các TBA phải làm việc căng thẳng do phải liên tục theo dõi đầy tải, quá tải, phối hợp thường xuyên với điều độ viên điều chỉnh công suất phát các nguồn điện xử lý đầy tải, quá tải.

Đặc biệt trong tình hình mới với tính chất phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định sẽ chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh. Việc đảm bảo hoàn thành mục tiêp kép "Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh" của EVNNPT, sẽ là một thách thức không nhỏ đối với PTC3 trong việc sắp xếp, bố trí và điều động nhận sự phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải trong khu vực.

Để đảm bảo vận hành an toàn các nhà máy điện gió cũng như lưới điện truyền tải, PTC3 kiến nghị các chủ đầu tư điện gió cần chia sẻ những khó khăn với PTC3 và các Trung tâm điều độ tính toán phương thức tuần, tháng vận hành phù hợp khả năng của lưới điện hiện hành, điều hành lưới truyền tải để cùng đạt được mục tiêu giải tỏa công suất nguồn NLTT, vừa đảm bảo lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục. Trung tâm Điều độ ưu tiên bố trí lịch cắt điện lưới điện truyền tải để thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ vào ban ngày, để đủ ánh sáng đảm bảo sức khỏe cho người lao động; tăng năng suất lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc đảm bảo chất lượng sau khi sửa chữa, lưới điện sẵn sàng vận hành an toàn, liên tục, khai thác truyền tải tới hạn khả năng của nó, giảm xác xuất xảy ra sự cố do không đạt chất lượng.

Link gốc


  • 04/10/2021 08:56
  • Nguồn: petrotimes.vn
  • 877