“Sáng chế xanh” của học sinh Thái Bình

Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền, nhiều học sinh ở Thái Bình đã sáng chế ra những sản phẩm khoa học thân thiện với môi trường. Nhiều cải tiến, sáng tạo của các em đã đi vào thực tiễn, phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Tàu dọn rác đa năng tích hợp công nghệ 4.0

Đó là sản phẩm khoa học của hai em Nguyễn Anh Khoa, học sinh lớp 8A2 và Hoàng Ngọc Hiếu, lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy). Ngọc Hiếu chia sẻ: "Xuất phát từ vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, chúng em đã có ý tưởng tạo ra sản phẩm tàu dọn rác đa năng tích hợp công nghệ 4.0 chạy bằng pin năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường. Sản phẩm này có thể được điều khiển để dọn sạch rác thải, khơi thông dòng chảy trên mặt nước các ao, hồ, đồng thời có thể tích hợp việc sục khí ô xy cho nước, kết hợp cho cá ăn, có ý nghĩa rất lớn trong các ao, hồ nuôi thủy sản. Sản phẩm có ý nghĩa trong việc giảm bớt thời gian và công sức lao động của con người, giảm bớt nguy hiểm và độc hại cho con người khi thu dọn rác trên mặt ao, hồ, tăng năng suất lao động, thân thiện với môi trường". 

Thầy giáo Vũ Văn Phương, giáo viên Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, người trực tiếp hướng dẫn hai em chia sẻ: Ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền, tàu dọn rác do các em sáng chế có tính công nghệ hiện đại, được sử dụng mạch điều khiển là mạch Arduino kết nối với điện thoại thông minh qua bluetooth 4.0 hoặc wifi và sử dụng được ở phạm vi rộng.

Cô giáo Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh cho biết: Ngay từ khi bước lên cấp THCS, học sinh trong trường được làm quen với giáo dục STEM. Đây là lợi thế rất lớn khi các em có cơ hội được tiếp xúc với các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Vì vậy, việc sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển các sản phẩm khoa học được các em áp dụng khá thành thục, giáo viên gần như chỉ quan sát cách làm của các em. Qua đó, có thể thấy các em đã dần làm chủ khoa học, là những nhà sáng chế nhí với những sản phẩm hữu ích. 

Ông Nguyễn Mạnh Thường, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy chia sẻ: Đề tài khoa học của hai em Ngọc Hiếu và Anh Khoa là một trong khá nhiều sản phẩm khoa học thân thiện với môi trường được các em học sinh nghiên cứu, sáng tạo trong những năm qua. Đây là kết quả của việc định hướng cho các em tham gia nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và được thực hiện thường xuyên, liên tục, cụ thể bằng nhiều hoạt động khác nhau, điển hình như ngày hội trải nghiệm sáng tạo, giáo dục STEM, phương pháp tổ chức dạy học cũng được thay đổi theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Nhà trường khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức môn học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. Đó là nền tảng tri thức cho các em bước vào đời.

34.000 đồng cho một bộ lọc khí thải xe máy

Tại Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng, xe máy chính là phương tiện tham gia giao thông lớn nhất. Trong quá trình chuyển từ xăng thành năng lượng để di chuyển, xe máy đã phát sinh ra các chất thải như: CO2, CO, SO2, H2S, C6H6, các hợp chất có vòng benzen… và khói, bụi. Xuất phát từ thực tế đó, hai em Đặng Thị Khánh Quyên và Nguyễn Minh Hiếu (lớp 10A13), học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan đã mạnh dạn nghiên cứu, sáng tạo ra bộ lọc khí thải xe máy thân thiện với môi trường giá chỉ có 34.000 đồng. 

Chia sẻ về cấu tạo của sản phẩm, em Khánh Quyên cho biết: Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, chúng em cần 200g than hoạt tính, 1 tấm bọt biển, 2 lớp ngăn cách bằng tôn, 1 ống vỏ sữa bột, 1 nẹp tôn, 2 đoạn cao su và dung dịch nước vôi. So với thiết bị lọc khí thải xe máy đã có thì thiết bị của em có thêm lớp lọc bằng chất kiềm. Đây là hóa chất cơ bản dễ kiếm, thiết bị dễ lắp đặt, gọn nhẹ, người dân có thể tự làm và tự sử dụng.

Kết quả được các em mang đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thử nghiệm. So với trước khi lắp bộ lọc khí thải xe máy, các chỉ số về CO2, CO, SO2, NO2 và bụi đã giảm đáng kể. Ví dụ như khí CO2 giảm từ 2.265mg/m3 xuống còn 1.074mg/m3; khí SO2 giảm từ 2,86mg/m3 xuống còn dưới 0,1mg/m3; bụi giảm từ 0,9mg/m3 xuống còn 0,5mg/m3… Những con số trên đã thể hiện rõ những hiệu quả từ sản phẩm của hai em đến môi trường xung quanh. 

Ông Đặng Văn Báu, thôn Đồng Tâm, xã Đông Hà (Đông Hưng) chia sẻ: Khi được các cháu hướng dẫn làm bộ lọc khí thải và lắp vào xe máy, tôi thấy khá đơn giản, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, khi hỏi về giá thành, các cháu nói chỉ có 34.000 đồng khiến tôi cũng băn khoăn bởi giá thấp thì liệu có chất lượng. Thế nhưng khi chạy thử nghiệm, tôi rất hài lòng. Ví dụ như trước khi lắp thiết bị, quan sát bằng mắt thường thấy có nhiều khói, ngửi thì có mùi khó chịu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Sau khi lắp thiết bị, xe vẫn chạy bình thường nhưng tôi thấy không còn mùi khó chịu, khói đen giảm đáng kể. Nếu được nhân rộng, tôi nghĩ sản phẩm này sẽ rất hữu ích cho môi trường.

Sản phẩm tàu dọn rác đa năng tích hợp công nghệ 4.0 của học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh đã xuất sắc giành giải Nhất, sản phẩm bộ lọc khí thải xe máy của học sinh Trường THPT Bắc Đông Quan giành giải Ba trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm nay. Theo Ban tổ chức cuộc thi, lĩnh vực kỹ thuật môi trường có 5 dự án của học sinh dự thi. Bên cạnh đó, ở một số lĩnh vực như hệ thống nhúng, kỹ thuật cơ khí cũng có một số dự án liên quan đến lĩnh vực môi trường. Điều này cho thấy, vấn đề môi trường hiện nay được khá nhiều nhà trường quan tâm và có những nỗ lực để bảo vệ môi trường sống, từ đó hướng các em đến những sáng chế xanh trong tương lai.

Link gốc


  • 11/02/2020 02:32
  • Nguồn: Báo Thái Bình
  • 1203