Sáng tạo để tiết kiệm năng lượng

Tiết kiệm năng lượng đang là chủ trương được Nhà nước và người dân hết sức quan tâm. Điều đáng mừng là hiện nay các bạn trẻ chính là những người đang ủng hộ và tìm ra những giải pháp tích cực nhất để giải quyết vấn đề tiết kiệm năng lượng.

Ý tưởng khoa học gần gũi

Trong thời gian gần đây có rất nhiều sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã được nhiều bạn trẻ học sinh, sinh viên (SV) sáng tạo và giới thiệu. Chúng đều xuất phát từ những ý tưởng hết sức đơn giản, gần gũi với đời sống hằng ngày. Điều đáng ghi nhận là các ý tưởng này lại đến từ những bạn học sinh, SV thế hệ 8X, 9X.

Lê Tấn Phúc - sinh viên khoa Cơ khí Trường ĐH Nông Lâm TPHCM sáng tạo chiếc máy ấp trứng gà bằng năng lượng mặt trời. Còn với nhóm các bạn Lê Hoàn Thiện, Mai Thủy Tiên, Trần Văn Công Tính - học sinh Trường THCS Đặng Trần Côn, quận Tân Phú - TPHCM thì sản phẩm đó chính là chiếc xe đạp có gắn đèn báo tín hiệu như xe gắn máy, có đầy đủ đèn xi-nhan, đèn chiếu sáng… Ý tưởng này rất thực tế, nảy sinh từ chính chiếc xe đạp mà các bạn sử dụng hằng ngày. Hoặc như Phạm Ngọc Anh Tùng - sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM chế tạo chiếc xe hai bánh Scooter sử dụng điện tiết kiệm, không tạo ra khí thải…

Chiếc máy ấp trứng bằng năng lượng mặt trời của bạn Lê Tấn Phúc

Sản phẩm “nhỏ” mà hữu ích

Để tìm được tấm pin năng lượng mặt trời vừa túi tiền, Tấn Phúc đã phải lùng mua những tấm pin cũ ở một cửa hàng tại quận Thủ Đức - TPHCM. Sau hơn một năm miệt mài với chiếc máy ấp trứng, Lê Tấn Phúc đã chế tạo thành công và đưa vào hoạt động chiếc máy ấp trứng đầu tiên chạy bằng năng lượng mặt trời. Ưu điểm của chiếc máy này là giá thành rẻ, bền và tỉ lệ nở con cao. Chiếc máy ấp trứng này có thể làm việc hơn 14 giờ không cần ánh sáng mặt trời, tiết kiệm hơn 90% điện năng. Nhiệt độ bên trong buồng ấp vẫn bảo đảm ổn định ở mức 37,5°C và cứ 90 phút, trứng sẽ tự động đảo.
 
Kết quả, tỉ lệ trứng nở đạt trên 85%, cao hơn một số loại máy ấp sử dụng điện thông thường hiện có trên thị trường, trong khi giá thành của máy chỉ khoảng hơn chục triệu đồng do sử dụng từ nguồn vật liệu có sẵn trong nước.
 
Còn các bạn học sinh Trường THCS Đặng Trần Côn cùng nhau góp tiền (được 600.000 đồng) để mua một tấm pin năng lượng mặt trời, cộng với đèn, còi, dây dẫn điện… để thiết kế bộ đèn tín hiệu trên chiếc xe đạp của mình đi. “Chúng em mong muốn chiếc xe đạp này sẽ được sản xuất ra thị trường để có nhiều bạn học sinh được sử dụng chiếc xe đạp an toàn khi đi trên đường” - cả nhóm cho biết.
 
Chiếc xe đạp này sử dụng pin năng lượng mặt trời lắp ở giỏ đựng trước đầu xe để hấp thu ánh sáng, cung cấp điện năng cho bộ đèn báo hiệu lắp trên xe đạp. Buổi sáng ánh nắng chiếu vào tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được chuyển vào bình sạc rồi trữ ở bình ắc-quy.
 
Nguồn năng lượng dự trữ trong bình ắc-quy được cung cấp cho các đèn báo tín hiệu trên xe hoạt động. Khi dừng, có đèn báo phía sau xe để tránh xe khác đụng vào, khi qua đường thì có đèn xi-nhan để xin đường, còn khi đi buổi tối có bộ đèn pha chiếu sáng dưới đường, có thêm còi báo hiệu để xin đường hay cảnh báo cho xe khác. Với bộ đèn báo hiệu trên xe, nếu sạc đầy bình có thể sử dụng trong vòng 10 giờ.

Những sáng tạo tưởng đơn giản ấy nhưng nếu áp dụng vào đời sống, không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng mà còn đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống.


  • 27/09/2011 02:13
  • Báo Người lao động online
  • 2165


Gửi nhận xét