Thông thường, các HTX, cơ sở chế biến cá sặc rằn ở Củ Chi đều sấy cá bằng máy hoặc mang cá ra phơi nắng. Cách làm này dẫn đến cá bị xơ cứng nhanh, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vào mùa mưa, việc sấy cá càng gặp nhiều khó khăn hơn khi các loại máy sấy sử dụng than, củi, khí đốt, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại mất thêm chi phí xây dựng nhà xưởng và trả lương nhân công...
Để khắc phục những nhược điểm trên, Th.S Phan Văn Hiệp, giảng viên Khoa Tự động hóa, Trường Đại học Văn Hiến TP. Hồ Chí Minh và các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống dàn sấy cá tự động, sử dụng năng lượng mặt trời.
Hệ thống sấy cá sặc rằn tại Hợp tác xã Tương Lai, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh
|
Hệ thống sấy gồm buồng sấy với các dàn sấy chuyển động xung quanh một trục cố định, sử dụng dòng khí sấy tuần hoàn và bộ phận tự điều chỉnh tốc độ quay của dàn sấy, tốc độ dòng không khí theo nhiệt độ đo được bên trong buồng sấy. Để chặn côn trùng vào bên trong dàn sấy, cuối quy trình phơi sấy, kết hợp hiệu ứng nhà kính ở thời điểm nắng tốt (từ 14h chiều) và lò đốt nhiệt bằng điện trở, nhiệt độ trong buồng phơi sấy sẽ tăng lên 70 độ C và hệ thống phun sương đưa độ ẩm lên trên 70% để khử các dòng vi sinh phổ biến như E-Coli, Coliform và Salmonella. Quá trình khử vi sinh này kéo dài khoảng 30 phút.
Theo ThS. Phan Văn Hiệp, trong trường hợp không có nắng hoặc sấy vào ban đêm, hệ thống cảm biến nhiệt độ sẽ tự động đưa hệ thống sấy kết nối với nguồn cung cấp của lưới điện tiếp tục hoạt động. Đặc biệt, hệ thống có thể thực hiện giám sát, tự động điều khiển từ xa.
Thiết bị sấy cá sử dụng năng lượng mặt trời đã được đưa vào vận hành tại HTX Tương Lai (huyện Củ Chi, TP.HCM) và cho kết quả bước đầu rất khả quan. Theo đó, sản lượng cá khô tăng 3 lần so với phơi nắng, đặc biệt là tiết kiệm nhiều năng lượng so với sử dụng lò sấy. Ông Phạm Văn Thành, nhân viên HTX Tương Lai cho biết: “Với xấp xỉ 160 kg cá khô thành phẩm, tương đương 320kg cá tươi sau khi sơ chế, năng suất đã tăng đến 160% so với yêu cầu thiết kế ban đầu (100kg cá khô) và tăng 320% so với phơi nắng thông thường. Lượng điện năng tiêu thụ cho một mẻ sấy chỉ khoảng 30 kWh, tính ra chưa tới 100.000 đồng, tiết kiệm rất nhiều so với sử dụng lò sấy vỉ ngang với cùng năng suất và thời gian sấy (tiêu thụ xấp xỉ 180 kWh)”.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện các thông số kỹ thuật, đảm bảo cho thiết bị vận hành an toàn, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, góp phần tăng năng suất sấy cá, mở rộng thêm tính năng sấy với các loại cá khác có giá trị cao như, cá dứa, cá lóc, cá chạch hoặc các loại trái cây, nông sản...
Ưu điểm của hệ thống sấy cá sử dụng năng lượng mặt trời:
- Chỉ cần một nhân công vận hành, quá trình hoạt động không phụ thuộc vào thời tiết;
- Không tạo ra chất thải, thân thiện với môi trường (chất thải từ quá trình sơ chế cá được sử dụng làm nguồn thức ăn nuôi cá);
- Sản phẩm đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm nhờ quy trình phơi sấy hạn chế tối đa sự xâm nhập của vi sinh.
- Sản phẩm đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng.
- Tăng sản lượng gấp 3 lần, tiết kiệm điện năng 6 lần so với phương pháp phơi, sấy truyền thống.
|