Sử dụng máy massage chân: Xua tan đau nhức, nhưng vẫn an toàn

Các loại máy massage chân có tác dụng xua tan sự đau nhức, tăng cường sự tuần hoàn máu… Nhưng làm sao để vận hành máy an toàn và tránh được những tai nạn về điện.

 

                                                     

                                                                       Ảnh minh họa

 

Tai nạn do bất cẩn

Đã có những trường hợp bị bỏng điện khi dùng máy massage chân bằng bọt khí. Bà  N.T.M. (Hà Nội) được đưa vào Viện Quân y 103 trong tình trạng mê man, các đầu ngón tay bị co rút và bắp chân bỏng nặng do bị điện giật khi đang dùng máy massage chân bằng bọt khí. Sợi dây điện nối với nguồn vốn rất mỏng manh đã bị chảy, đứt và rơi xuống chậu nước mà bà M. đang ngâm chân. Các bác sĩ đã phải tháo khớp một số đầu ngón tay và lóc bỏ phần thịt bị cháy, lấy da của phần trên để đắp lại cho chân. Sau một tháng điều trị, sức khỏe của bà M. mới tạm ổn định.

Dùng thế nào cho an toàn?

Máy massage chân bằng bọt khí được cấu tạo giống như chậu ngâm chân, có thể massage khô hay dùng nước (nước thường hoặc pha thuốc ngâm chân). Trong trường hợp dùng nước, khi máy hoạt động, nước ngâm chân sẽ ấm lên, máy rung và tạo ra các bọt khí kích thích lòng bàn chân. Theo các chuyên gia, trong quá trình sử dụng và bảo quản máy massage chân, người sử dụng cần tuyệt đối tuân thủ những hướng dẫn của nhà sản xuất, thường xuyên kiểm tra dây dẫn điện, tránh trường hợp bị điện giật, bỏng điện nguy hiểm đến tính mạng.

Lưu ý gì khi chọn mua

• Kiểm tra hạn sử dụng của nhà sản xuất.

• Yêu cầu nhân viên kỹ thuật mở bên trong máy kiểm tra thiết bị bảo vệ an toàn điện xem có hoạt động không (thiết bị này có tác dụng tránh rò điện khi máy hoạt động). 

Sử dụng thế nào?

• Đặt máy cân bằng theo phương nằm ngang.

• Đổ nước vào máy không quá mức nước cao nhất đã được đánh dấu.

• Đổ nước ra từ mặt sau của máy.

• Đổ nước ấm (khoảng 38 độ C) trực tiếp vào máy nếu muốn sử dụng nước nóng ngay.

• Cắm đúng điện nguồn (ghi trên vỏ máy).

• Thay thế những dây điện có dấu hiệu không an toàn (như tróc, xước).

• Tắt máy và rút nguồn điện của máy sau khi sử dụng.

• Dừng ngay máy nếu thấy trong người có hiện tượng bất thường.

• Chỉ sử dụng máy trước hoặc sau bữa ăn tối thiểu 30 phút.

• Chỉ sử dụng máy trong khoảng thời gian 20-25 phút/lần, không quá 1 lần/ngày. Sử dụng máy quá nhiều có thể gây mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa.

• Trẻ em và người tàn tật sử dụng máy phải có sự giám sát của người lớn.

Cần tránh điều gì?

• Để những vật nặng đè, đứng lên máy.

• Dùng dây nguồn điện để lôi, kéo máy.

• Để máy gần những nơi có nguồn nhiệt nóng, gần xăng, dầu dễ sinh cháy nổ

• Vệ sinh máy bằng cách nhúng cả máy vào nước

• Sử dụng máy ở những nơi ẩm ướt, dễ cháy nổ.

• Đổ nước có nhiệt độ trên 50◦C vào khoang chứa.

• Đổ nước vào máy trong khi sử dụng.

• Lật ngược máy lên khi đổ nước hoặc khi đang sử dụng.

• Hòa thêm các axit hay dung dịch nguy hại khác vào nước khi sử dụng

• Ngủ hoặc ngủ gật khi đang sử dụng. 

Vệ sinh máy thế nào?

- Vệ sinh máy ngay sau khi sử dụng

- Rút nguồn điện.

- Đổ nước bẩn ra đúng cách.

- Dùng khăn vải ẩm, mềm, sạch để vệ sinh sạch các bộ phận bị nhúng trong nước đặc biệt là các lỗ tạo bọt khí.

- Bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát.

Người nào không được dùng máy massage chân?

• Bệnh nhân tiểu đường.

• Người bị viêm tĩnh mạch.

• Người có bàn chân phù nề.

• Người bị gãy xương bàn chân.

• Người có tiền sử bệnh tim mạch,

• Người có bệnh về máu.

• Phụ nữ có thai.


  • 25/08/2011 11:27
  • Ngọc Tuấn
  • 4143