Một nhà máy sử dụng điện năng lượng mặt trời ở Quận 12, TP HCM
|
Tiết kiệm 1,5 - 2% điện thương phẩm hàng năm
Chương trình được xây dựng gồm 6 nội dung chính: Vận động khách hàng tham gia tiết kiệm điện; tiết kiệm điện tại công sở, trụ sở các cơ quan; tiết kiệm điện trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ; tiết kiệm điện trong sản xuất; chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả; phổ biến sử dụng thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng điện mặt trời trên mái nhà. Mục tiêu chung của chương trình này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nâng cao nhận thức của mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP về sử dụng điện tiết kiệm, phấn đấu bình quân mỗi năm tiết kiệm 1,5% - 2% sản lượng thương phẩm. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời trên mái nhà tại các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp; phấn đấu tới năm 2025 đạt chỉ tiêu quy hoạch đề ra là 200 MW.
Để thực hiện mục tiêu trên, về nội dung tiết kiệm điện tại công sở, trụ sở các cơ quan, thành phố (TP) tiếp tục duy trì việc sử dụng điện tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm của cơ quan, đơn vị. Cụ thể, TP sẽ xây dựng và ban hành quy định về sử dụng điện; thay thế, sửa chữa trang thiết bị sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị theo các quy định hiện hành. Phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động phải thực hiện tiết kiệm điện, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm. Ban hành quy chế về mua sắm thiết bị điện khi sửa chữa, thay thế hoặc mua mới đối với các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm ban hành các quy định về sử dụng điện, thay thế, sửa chữa trang thiết bị sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị theo các quy định hiện hành nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm được ít nhất 10% điện năng sử dụng hàng năm của đơn vị; cử cán bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đôn đốc và kiểm tra thường xuyên việc sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị. Sở Tài chính TPHCM kiểm tra việc cắt giảm chi ít nhất 10% cho việc tiêu dùng điện ở các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước.
Về tiết kiệm điện trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ, TP vận động các hộ sử dụng điện trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân thực hiện tiết kiệm điện vì lợi ích gia đình và cộng đồng”, đảm bảo các nguyên tắc như khuyến khích sử dụng các loại thiết bị điện có hiệu suất cao và được dán nhãn năng lượng. Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt đèn chiếu sáng và các thiết bị điện khi không có nhu cầu sử dụng. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hành lang, sân vườn, khu vực làm việc theo tiêu chuẩn hiện hành. Chỉ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ khi thật sự cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25oC trở lên hoặc đặt chế độ chênh lệch nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ từ 3 - 5oC. Không sử dụng bóng đèn sợi đốt trong khi thay thế hoặc mua mới. Hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như điều hòa không khí, bình nước nóng, bàn ủi điện… trong thời gian cao điểm tối của hệ thống điện.
Nhằm quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất và kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp, TP sẽ thực hiện nội dung tiết kiệm điện trong sản xuất để tạo tác phong, thói quen sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có ý thức trong việc sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, giảm việc sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm, sẵn sàng hợp tác với ngành Điện thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi xảy ra thiếu điện. Theo đó, TP sẽ xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Tăng cường sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời…
Ưu đãi sử dụng năng lượng tái tạo
Một nội dung đáng lưu ý của chương trình là phổ biến sử dụng thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời và sử dụng các dạng năng lượng thay thế khác như điện mặt trời trên mái nhà… Mục tiêu nhằm thúc đẩy nghiên cứu, hỗ trợ sản xuất và sử dụng các thiết bị gia nhiệt nước trong sinh hoạt và dịch vụ bằng năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng khác, trong đó có điện mặt trời trên mái nhà cho các hộ gia đình và tòa nhà như trung tâm thương mại, chung cư, bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan nhà nước... Theo đó, TP sẽ xây dựng, ban hành các quy định về hỗ trợ, ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo nói chung và ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo thay thế cho sử dụng điện nói riêng. Thúc đẩy nghiên cứu, hỗ trợ sản xuất và sử dụng các thiết bị gia nhiệt nước trong sinh hoạt và dịch vụ, nhằm từng bước tạo lập thị trường cho sự phát triển của công nghệ này.
Ngoài ra, để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đối với chiếu sáng công cộng, TP sẽ áp dụng một số giải pháp như: quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành trong chiếu sáng công cộng; thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng bằng bóng đèn tiết kiệm điện; hoàn thành lắp đặt trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng công nghệ điều khiển tự động. Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng xây dựng mới. Thực hiện tự động hóa hệ thống chiếu sáng công cộng xây mới để giảm công suất tiêu thụ theo khung thời gian phù hợp với mật độ giao thông. Riêng đối với chiếu sáng dân lập sẽ thí điểm thay thế các loại đèn compact bằng loại đèn LED. Cải tạo hệ thống dây dẫn mất an toàn về điện, gây tổn thất điện năng. Để thực hiện nội dung này, Sở Giao thông Vận tải TPHCM chủ trì, phối hợp với UBND các quận - huyện xây dựng đề cương chi tiết để thực hiện chương trình. Tổng công ty Điện lực TPHCM tiếp tục thực hiện chương trình thay thế bằng các bóng đèn tiết kiệm năng lượng.
Đối với giải pháp tài chính cho toàn chương trình, TP sẽ phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước, vốn đóng góp của các doanh nghiệp tham gia để thực hiện chương trình. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước tài trợ các chương trình quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia tiết kiệm điện, công tác tổ chức thực hiện chương trình. Nguồn vốn của doanh nghiệp tham gia đóng góp dùng thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá tiết kiệm điện, chiếu sáng tiết kiệm điện; đóng góp trong việc tổ chức thực hiện các nội dung của chương trình tại doanh nghiệp.