Thanh Hóa: Hiệu quả từ năng lượng sạch ở khu vực nông thôn

Mô hình sử dụng bể biogas bằng vật liệu composite để khai thác nguồn năng lượng ở khu vực nông thôn tỉnh Thanh Hóa hiện đang được các cấp, chính quyền tỉnh hết sức quan tâm và triển khai. Mô hình này bước đầu đang cho thấy những hiệu quả nhất định.

Với việc sử dụng khí biogas sinh học, trung bình mỗi năm mỗi hộ gia đình ở khu vực nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tiết kiệm được 2,6 triệu đồng tiền gas, gần 30% điện năng thắp sáng, tương đương 50 kWh, bằng 745.000 đồng.

Thân thiện với môi trường

Bể biogas bằng nhựa composite có thể chịu được áp suất cao nên hiệu suất sinh khí của bể rất lớn, áp lực khí gas của bể nhựa có thể đạt tới 1,6 m cột nước so với 0,5 m cột nước bể bê tông, gạch. Đồng thời, loại bể này còn có khả năng tự điều áp khí gas qua việc tự động xả khí, tự phá váng không cần sử dụng túi ni lông chứa khí, không cần van an toàn.

Với cùng một dung tích so với bể gạch, bê tông, bể nhựa có thể lắp thêm một số thiết bị phụ để nâng cao hiệu suất sinh khí như: Thiết bị khử mùi, đèn thắp sáng, bình nóng lạnh đốt bằng khí biogas, máy phát điện...

Bể biogas được chế tạo bằng nhựa composite di chuyển nhẹ nhàng - Ảnh: TV

Ông Lê Minh Tú - Trưởng phòng TKNL – Trung tâm Khuyến công và xúc tiến Thương mại - Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có số lượng gia súc, gia cầm rất lớn, việc sử dụng bể biogas composite, sẽ giúp chất thải chăn nuôi được xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn, tạo được bếp đun không khói bụi, sạch sẽ, tiện lợi, hạn chế nóng bức và tiết kiện thời gian đun nấu. Nếu hộ gia đình không sử dụng hết công suất khí gas, có thể chuyển sang sử dụng thắp sáng và sưởi ấm cho gia cầm, gia súc vao thời gian mùa đông.

Theo ông Lê Minh Tú, sử dụng vật liệu composite sản xuất hàng loạt hầm biogas, sẽ đáp ứng yêu cầu của các trang trại và gia trại chăn nuôi. Đồng thời mở ra hướng đi mới góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đáp ứng một phần năng lượng cho người dân khu vực nông thôn.

Tiết kiệm chi phí

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến Thương mại Thanh Hóa đã phối hợp các cơ quan chức năng trong tỉnh mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn về cách sử dụng bể biogas bằng vật liệu composite.

Anh Lê Sỹ Trung – xã Quảng Hòa – huyện Quảng Xương, chủ một trang trại đã áp dụng mô hình bể biogas cho biết: Trang trại của tôi có khoảng hơn 200 con lợn, từ khi áp dụng khí gas sinh học không chỉ đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt trong gia đình mà còn sử dụng gas đun nấu thoải mái, giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi tiết kiện được gần 6 triệu đồng so với trước đây.

Cũng theo ông Lê Minh Tú - Trưởng phòng TKNL – Trung tâm Khuyến công và xúc tiến Thương mại - Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, nếu 100% hộ gia đình có công trình khí biogas sinh học, trong vòng 1 năm, một xã ở Thanh Hóa (khoảng 1.400 hộ dân) sẽ tiết kiệm được gần 3,7 tỷ đồng tiền gas công nghiệp và hơn 1 tỷ đồng tiền điện thắp sáng. Trong khi đó, một công trình có thể tích 6 – 9 m3 bằng vật liệu composite chi phí hết khoảng 12 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 4 năm các hộ gia đình sẽ hoàn vốn đầu tư và giúp các hộ tăng gia sản xuất, tăng thêm thu nhập.

"Đây là mô hình thân thiện môi trường, nâng cao trình độ văn minh nông thôn, góp phần tiết kiệm năng lượng. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần quan tâm, đầu tư để mô hình này có thể nhân rộng hơn nữa trong phạm vi cả nước, đặc biệt là ở khu vực nông thôn", ông Lê Minh Tú khẳng định:

Sử dụng biogas sinh học ở Thanh Hóa:

- 46 mô hình bể biogas bằng vật liệu composite.

- 11 mô hình máy phát điện chạy bằng khí biogas sinh học.

- 2 mô hình bể biogas và máy phát điện trong trang trại lớn.

 


  • 16/08/2013 09:33
  • Trường Văn
  • 2652


Gửi nhận xét