Ông Hoàng Xuân Phong - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm đã lắp đặt 173 bộ đèn TKNL cho tuyến đường Trần Phú và Nguyễn Văn Cừ (thị xã Bỉm Sơn). Quá trình lắp đặt và sử dụng thiết bị tiết giảm 34% điện năng so với dùng đèn chiếu sáng thế hệ cũ.
Hệ thống chiếu sáng công cộng được chuyển sang sử dụng pin năng lượng mặt trời kết hợp nối lưới tại khu liên Sở Công Thương; Sở Tài chính Thanh Hóa và đường Thành Thắng (thị xã Sầm Sơn). Việc lắp đặt này giúp tiết giảm 100% lượng điện năng tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo công tác chiếu sáng đô thị.
Được biết, dự án sử dụng pin năng lượng mặt trời mang ý nghĩa thiết thực và hiệu quả cao trong ứng dụng mô hình chiếu sáng sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu việc sử dụng điện năng và các nguồn năng lượng không tái tạo, thúc đẩy nguồn năng lượng sạch, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Cũng trong thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng thành công 18 mô hình ứng dụng kỹ thuật biogas đun nấu, thắp sáng cho 5 huyện tại Thanh Hóa. Đến nay, các mô hình vẫn sử dụng hiệu quả. Với việc sử dụng khí biogas sinh học, trung bình mỗi tháng các hộ gia đình tiết kiệm được từ 500 - 700 nghìn đồng tiền mua chất đốt và điện thắp sáng. Đồng thời, mở ra hướng đi mới góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đáp ứng một phần năng lượng cho người dân khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn về cách sử dụng bể biogas bằng vật liệu composite.
Ngoài ra, dự án “Tuyên truyền vận dộng các hộ gia đình tham gia phong trào hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh hóa” với nhiều hoạt động thiết thực cũng được chú trọng. Qua đó, các hộ gia đình đã chủ động thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn LED tiết kiệm điện. Theo tính toán, nếu mỗi hộ gia đình đều thực hiện tốt việc tiết kiệm điện, thì 1 triệu hộ gia đình tại Thanh Hóa có thể tiết kiệm được 13 triệu kWh điện/năm.