Để đối phó nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, cũng như góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhiều nước mạnh tay chi cho các dự án năng lượng xanh.
Trong thông điệp gửi tới họp báo công bố báo cáo mới của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Tổng Thư ký Guterres cho rằng, đây là lúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy một tương lai năng lượng tái tạo.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh kêu gọi các quốc gia phát triển, các ngân hàng phát triển đa phương, các nhà cung cấp tài chính tư nhân và các bên liên quan liên kết giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi lớn ngừng sử dụng than đá. Chuyển đổi sang năng lượng sạch phù hợp mục tiêu đã thống nhất trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C.
Đối phó nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa đông và để độc lập hơn với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, Đức đặt mục tiêu hướng tới sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Đức đặt lộ trình đến năm 2030, tỷ trọng điện gió hoặc năng lượng mặt trời sẽ chiếm 80%.
Cụ thể, tới năm 2030, công suất năng lượng gió trên đất liền ở quốc gia châu Âu này sẽ tăng gấp hai lần lên 110 gigawatt, trong khi năng lượng gió trên biển tới năm 2030 sẽ đạt 30 gigawatt, tương đương công suất của 10 nhà máy điện hạt nhân. Đối với năng lượng mặt trời, tới năm 2030, công suất điện từ nguồn này cũng sẽ tăng gấp ba lần, lên 200 gigawatt. Kế hoạch hiện đã được đưa vào Đạo luật năng lượng tái tạo (EEG) sửa đổi và dự kiến sớm được Quốc hội Đức thông qua để có thể có hiệu lực trước tháng 7 tới.
Hệ thống năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ
|
Nếu được thông qua, EEG sẽ tài trợ cho các dự án điện mặt trời và điện gió tại Đức, qua đó giảm hơn 40% thuế tiêu thụ điện, xuống còn 3,723 xu euro cho mỗi kilowatt giờ. Đây được xem là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2000, nhằm giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
Nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu, Mỹ gần đây đã tiến hành cuộc đấu thầu lớn nhất từ trước đến nay đối với các cơ sở năng lượng gió ở ngoài khơi New York và New Jersey. Theo Cục Quản lý năng lượng đại dương thuộc Bộ Nội vụ Mỹ, qua 13 vòng đấu thầu, các công ty tham gia đưa ra mức giá 817 triệu USD để thuê lại sáu cơ sở năng lượng gió với diện tích hơn 202 ha.
Nếu cả sáu cơ sở năng lượng gió này được phát triển thì công suất có thể đạt được là 7 gigawatt, đủ để cung cấp điện cho khoảng hai triệu hộ gia đình. Hơn 20 công ty đã được phép tham gia cuộc đấu thầu này, trong đó có các công ty năng lượng châu Âu (như Avangrid Renewables, Equinor ASA và EDF Renewables Development) và các tập đoàn Invenergy, Arevia Power của Mỹ. Theo giới chuyên gia năng lượng Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) đặt mục tiêu sản xuất 30 gigawatt điện gió vào năm 2030.
Ấn Độ cũng công bố phần đầu tiên trong nỗ lực chuyển đổi từ một nước có lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 3 thế giới thành trung tâm hydro xanh. Nước này khuyến khích các ngành công nghiệp, trong đó có việc truyền tải miễn phí điện tái tạo giữa các bang để sản xuất hydro và cả amoniac, được sử dụng trong phân bón, trong vòng 25 năm. Quốc gia Nam Á cũng đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh mỗi năm, cho đến năm 2030. Đất trong các công viên năng lượng tái tạo cũng sẽ được dành để sản xuất hydro và amoniac xanh.
Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ xây dựng các kho dự trữ gần cảng và xuất khẩu amoniac xanh. Hydro xanh được sản xuất bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, sau đó được sử dụng trong các ngành công nghiệp nặng carbon như sản xuất thép, bê-tông và trong ngành vận tải.
Mặc dù công nghệ này được cho là có khả năng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song lại đang phải đối mặt những thách thức to lớn, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết đòi hỏi chi phí cao.
Bộ Điện lực Ấn Độ khẳng định, việc thực hiện chính sách này sẽ mang lại nhiên liệu sạch cho người dân, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như giảm nhập khẩu dầu thô. Hiện New Delhi đang xem xét đưa ra các khoản trợ cấp, yêu cầu các nhà máy lọc dầu và nhà máy sản xuất phân bón sử dụng nhiên liệu sạch trong giai đoạn 2.
Link gốc