Mỹ chi 6 tỷ USD để duy trì điện hạt nhân

Reuters ngày 12/2/2022 đưa tin, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết đang tham khảo ý kiến ​​đóng góp từ các công ty cung cấp điện, cộng đồng và những người ủng hộ điện hạt nhân khi phát triển chương trình tín dụng mới trị giá 6 tỷ USD nhằm thúc đẩy sự phát triển các nhà máy điện hạt nhân đang gặp khó khăn.

Điện hạt nhân tạo ra nguồn điện gần như không phát thải, nhưng kể từ năm 2013 ngành công nghiệp điện hạt nhân ở Mỹ đã mất 12 lò phản ứng khi phải cạnh tranh với nguồn điện từ năng lượng tái tạo và các nhà máy sử dụng khí tự nhiên dồi dào. Ngoài ra, chi phí an toàn hạt nhân đã tăng vọt sau trận sóng thần năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Luật Cơ sở hạ tầng được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm ngoái đã giao nhiệm vụ cho Bộ Năng lượng Mỹ thành lập Chương trình Tín dụng Hạt nhân Dân sự để phân phối các khoản tín dụng cho các nhà máy hạt nhân nhằm giúp các lò phản ứng hạt nhân ở các bang trên nước Mỹ tham gia thị trường điện cạnh tranh. Luật yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ ưu tiên để các nhà máy hạt nhân sử dụng uranium sản xuất trong nước làm nhiên liệu.

Trong một cuộc phỏng vấn về việc thực hiện chương trình tín dụng mới, Andrew Griffith, Phó Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng về chu trình nhiên liệu hạt nhân và chuỗi cung ứng cho biết, Bộ Năng lượng Mỹ đang tiến hành nhanh chóng hết mức có thể. 

Các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Susquehanna Steam Electric Station ở phía nam Shickshinny, Pennsylvania, Mỹ

Theo chương trình, chủ sở hữu hoặc người điều hành các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ có thể đấu thầu các khoản tín dụng để giúp duy trì các hoạt động của các lò phản ứng. Các chủ sở hữu phải chứng minh rằng các lò phản ứng của họ sẽ đóng cửa vì lý do kinh tế và chứng minh rằng việc đóng cửa sẽ dẫn đến sự gia tăng các chất ô nhiễm không khí.

Các khoản tín dụng sẽ được phân bổ cho các lò phản ứng được Bộ Năng lượng Mỹ chứng nhận trong thời gian bốn năm. DOE có thể duyệt chi 1,2 tỷ USD trong 4 năm tới và giai đoạn 4 năm cuối cùng kết thúc vào năm 2035. Các quan chức Bộ Năng lượng Mỹ hy vọng chương trình có thể giúp một hoặc vài nhà máy điện hạt nhân trong năm nay.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết, việc duy trì các nhà máy điện hạt nhân là điều cần thiết để đạt các mục tiêu về khí hậu của Tổng thống Mỹ Biden và DOE cam kết duy trì dòng điện không có carbon, ngăn chặn việc đóng cửa sớm các nhà máy điện hạt nhân.

Mỹ đã chi hàng tỷ đô la cho chương trình lưu trữ vĩnh viễn chất thải từ các nhà máy điện hạt nhân tại Núi Yucca ở bang Nevada, tuy nhiên, dự án kéo dài hàng thập kỷ cuối cùng đã phải từ bỏ do sự phản đối của bang. Hiện tại, chất thải được lưu trữ tại các nhà máy điện trên toàn quốc trong các bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và trong các thùng cứng. Chính quyền Biden đang tìm kiếm các cộng đồng địa phương sẵn sàng chấp nhận làm nơi lưu giữ chất thải hạt nhân.

Andrew Griffith cho biết ý kiến ​​đóng góp của cộng đồng về chương trình tín dụng sẽ giúp định hướng cho các quyết định của chương trình.

Link gốc


  • 15/02/2022 09:48
  • Nguồn: petrotimes.vn
  • 2753