Ý tưởng đến từ một đêm
Câu chuyện với Nguyễn Hữu Bách, học lớp 12/18 Trường THPT Phan Châu Trinh bắt đầu từ chiếc máy điều hòa. Bách nói: “Khi vận hành, máy điều hòa hút hết độ ẩm trong phòng khiến người dùng thường mệt mỏi, khó chịu. Bản thân Bách cũng không thể ngủ trong phòng điều hòa, rất dễ bị ốm”.
Nói về chế độ tự ngắt của điều hòa, Bách cho rằng khi nhiệt độ trong phòng lạnh quá, điều hòa sẽ ngừng cung cấp khí lạnh vào phòng nhưng bộ phận quạt gió bên ngoài vẫn hoạt động liên tục, vì thế hiệu quả tiết kiệm điện cũng chẳng đáng là bao. Ngoài điều hòa, việc sử dụng các loại quạt gió, quạt phun sương cũng gặp nhiều bất cập, nhất là khi phải điều khiển thủ công hoàn toàn... Bách kể, ý tưởng đến với đề tài sáng tạo của cậu rất tình cờ trong một đêm Bách ngủ say quá không dậy tắt quạt được.
Cho rằng mình vừa phải chịu lạnh lại vừa tốn điện, Bách nghĩ phải làm một thiết bị để khi lạnh quạt tự tắt, khi nóng quạt tự bật, tất cả được lập trình sẵn, con người chỉ việc... ngủ. Bách đem ý tưởng chia sẻ với bạn học Phạm Phú Lộc và được ủng hộ, thế là hai đứa bắt tay vào việc sáng tạo.
|
Nguyễn Hữu Bách nói về nguyên lý hoạt động của thiết bị. |
Điều khiển cho tất cả các thiết bị điện khác nhau
Thời gian đầu khi triển khai thực hiện ý tưởng của mình, Bách đã gặp không ít khó khăn, hàng chục lần làm đi làm lại. Bách chia sẻ, cái khó không phải là nguyên lý hoạt động hay vật dụng thiết kế mà chính là hiệu năng sử dụng, làm sao để thiết bị chạy ổn định, mang lại hiệu quả tốt nhất, giá thành rẻ nhất, thiết bị sửa chữa phổ biến nhất... Được biết hiện nay, chiếc quạt thông minh nhất mới chỉ hẹn giờ và điều khiển từ xa. Còn việc nó tự bật, tắt, điều khiển tốc độ quay dựa theo nhiệt độ, độ ẩm thì chưa có trên thị trường.
Bách kể, trong quá trình mày mò tạo ra thiết bị "thông minh" này cậu được biết trên thế giới người ta từng ứng dụng điều khiển thiết bị điện trong sinh học dựa vào nhiệt độ, độ ẩm, đặc biệt là trong các nhà kính đo độ ẩm để trồng nấm. Tuy vậy, thiết bị ấy rất to, bằng cả cái mặt bàn và giá rất đắt, khoảng hơn 10 triệu đồng /thiết bị. Hơn nữa thiết bị này phải nhập từ nước ngoài, mỗi lần hỏng hóc rất khó sửa vì không có linh kiện thay thế... Trong khi đó thiết bị của Bách sáng tạo chỉ to bằng chiếc đĩa, giá rất rẻ, nếu hoàn thiện chỉ khoảng 600.000 đồng và linh kiện sửa chữa rất phổ biến.
Bách cho biết mạch cảm biến thông minh của mình có thể điều khiển tất cả các thiết bị điện khác nhau, tự động hoạt động theo nhiệt độ và độ ẩm. Cụ thể, trong y tế dùng để điều khiển hệ thống điều hòa, quạt, lò sưởi giữ nhiệt độ và độ ẩm ổn định, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân; trong nông nghiệp thiết bị sẽ tích hợp cả đo nhiệt độ và độ ẩm phục vụ hữu hiệu trong sản xuất nông nghiệp nhà kính; trong phòng cháy chữa cháy thiết bị có thể kết nối nhiều cảm biến ở nhiều vị trí khác nhau, khi phát hiện có sự tăng nhiệt độ đột ngột, thiết bị điều chỉnh hệ thống phun nước dập lửa ở đúng vị trí có cháy. Đặc biệt trong gia đình, công sở..., thiết bị này có thể thực hiện nhiều tính năng cùng lúc với chỉ vài thao tác lập trình đơn giản...
Với nhiều tính năng nổi trội, thiết bị của Bách từng giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo KHCN Đà Nẵng năm 2013, hiện đang được gửi tham dự Cuộc thi sáng tạo KHCN toàn quốc dành cho thanh thiếu niên nhi đồng 2014. Dù rất bận rộn vì học lớp cuối cấp nhưng Bách vẫn dành thời gian, nỗ lực không ngừng để phát triển thêm nhiều tính năng mới cho thiết bị của mình. Bách tin rằng sau thế hệ thứ 3, thiết bị này sẽ "thông minh" hơn nhiều, hứa hẹn sẽ là một thiết bị hữu dụng khó có thể bỏ qua trong đời sống hằng ngày.