Xe điện được coi là phương tiện giao thông sạch, thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn. Tuy nhiên, xe điện cũng gián tiếp phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do quá trình nạp điện cho hệ thống ắc-quy của xe lấy nguồn điện từ lưới điện của các nhà máy điện có sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu lửa và khí tự nhiên).
Theo TS Trần Tuấn Vũ, giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, kỹ sư trưởng về các động cơ điện tại Công ty Renault, phần lớn các loại phương tiện này hiện nay sử dụng ắc-quy chì, còn trên thế giới đã thay bằng pin Litium có tuổi thọ cao hơn, an toàn hơn và tốn ít thời gian để sạc đầy hơn. Litium chính là loại pin sử dụng trong điện thoại. Tuy nhiên, pin Litium dành cho xe điện hiện nay có giá thành rất cao, cho nên việc sử dụng loại pin này thay cho ắc-quy chì hiện tại là điều khó khăn.
Xe điện được Công ty CP Đồng Xuân đưa vào phục vụ du lịch trong tuyến phố cổ (Hà Nội) - Ảnh: Nguồn Internet.
|
TS Nguyễn Xuân Trường, giảng viên khoa Năng lượng, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, trong những năm gần đây, số lượng ô-tô điện trong dịch vụ du lịch, nhất là loại xe điện hai bánh (xe đạp, xe máy) tăng nhanh ở các đô thị Việt Nam vì tính tiện lợi, tiết kiệm và thân thiện với môi trường mà mẫu xe này mang lại. Tuy nhiên, việc thiếu hạ tầng trạm sạc, làn đường dành riêng là những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của loại phương tiện “xanh”.
Hiện nay, ở các nước phát triển có nhu cầu sử dụng xe điện cao, các trạm và nhà để xe ngoài trời tại các cơ quan, công sở hay trung tâm thương mại đều có xu hướng tích hợp hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sạch này, đồng thời giảm sự tiêu thụ điện từ hệ thống điện. Còn ở Việt Nam, phần lớn ắc-quy của loại phương tiện này được sạc từ hệ thống điện và vẫn chưa có hệ thống trạm sạc thuận lợi cho người sử dụng.
TS Nguyễn Xuân Trường cũng chia sẻ, anh cùng các cộng sự là TS Nguyễn Đình Quang (Trường đại học Công nghệ Hà Nội), TS Đặng Hoàng Anh (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) đã thực hiện dự án “Trạm sạc xe điện trong trường học ứng dụng năng lượng mặt trời” nhằm cung cấp năng lượng sạch để sạc miễn phí cho xe đạp điện và xe máy điện của học sinh tại trường học, từ đó có thể góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm cho giới trẻ.
Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2015 đến nay khuyến khích việc sử dụng xe điện, góp phần thiết thực giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Dự án hướng tới việc xây dựng những trạm sạc công cộng sử dụng điện mặt trời. Đi kèm với đó là những tiện ích khác như tích hợp cùng quán cà-phê, sạp báo… và thiết kế một ứng dụng trên điện thoại di động để theo dõi quá trình sạc điện. Song song với việc tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nhóm nghiên cứu tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức, nhất là nguồn vốn của các doanh nghiệp để tạo điều kiện triển khai mô hình thí điểm trạm nạp dành cho các trường học với mong muốn nhân rộng mô hình trạm nạp xe đạp điện tại nhiều trường học, từ đó tạo nên mạng lưới các điểm nạp.
Qua những kinh nghiệm có được từ việc phát triển dự án và xu thế sử dụng xe điện, nhóm nghiên cứu sẽ thương mại hóa kết quả của dự án nêu trên. Khách hàng tiềm năng chính là người sử dụng xe điện, doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất xe điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong trường hợp bán điện năng tái tạo. Vượt qua 175 dự án đến từ nhiều quốc gia nói tiếng Pháp trên thế giới, mô hình thí điểm nhà xe sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời phối hợp hệ thống điện dùng sạc xe đạp và xe máy điện trở thành một trong năm dự án xuất sắc nhất của chương trình dành cho các ý tưởng đổi mới và sáng tạo Innov’Ecolo promotion 2016.
Theo TS Trần Tuấn Vũ, Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều phương tiện chạy bằng năng lượng điện. Cụ thể, sau Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) diễn ra cuối năm 2015, Tập đoàn Mai Linh đã ký với Renault một bản hợp đồng dự kiến trong vòng 5 năm tới sẽ nhập khẩu từ 10 nghìn đến 20 nghìn chiếc xe điện vào Việt Nam. Ban đầu, hai bên sẽ thử nhập 30 chiếc. Tuy nhiên, vấn đề là thực tế cho tới thời điểm này vẫn chưa có một chiếc nào chạy trên địa bàn Hà Nội.
TS Trần Tuấn Vũ cho rằng, Việt Nam nên chú trọng vào thay thế xe buýt chạy điện trước thay vì xe máy điện, không nên “đi tắt đón đầu”. Bởi xe buýt là phương tiện cộng đồng, và đã có những đối tượng khách hàng trung thành. Việt Nam cũng không nhất thiết phải thay thế toàn bộ xe buýt, mà chỉ cần thay thế từ 1 đến 5% lượng xe buýt hiện nay là đã giảm được tương đối lượng khí thải của thành phố.