Thiếu dữ liệu chứng minh chi phí xây dựng công trình xanh tại Việt Nam là đắt

Đó là ý kiến nhận định của Giám đốc điều hành, Hội đồng công trình xanh đưa ra tại Hội thảo “Chi phí và lợi ích của công trình xanh: Ngộ nhận và thực tế” do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM phối hợp tổ chức ngày 17/12/2013.

Lợi ích đầu tiên mà công trình xanh mang lại cho nhà đầu tư chính là chi phí vận hành thấp hơn hẳn. Thứ hai là mang lại cho người sử dụng một môi trường sống không độc hại, một bầu không khí trong lành và tăng hiệu quả công việc…

Tuy nhiên, cho đến nay việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản. Khó khăn đầu tiên là sự thiếu ưu đãi và hỗ trợ cần thiết của chính quyền các cấp. Những công trình đầu tiên tham gia đánh giá chứng chỉ công trình xanh đều là của công ty tư nhân. Ngoài ra, Việt Nam được cho là đang thiếu nhận thức và kiến thức về công trình xanh, kéo theo đó là sự hạn chế về kỹ năng trong ngành và chữ “xanh” bị lợi dụng “không đúng chỗ”.

Những dàn pin năng lượng mặt trời trên mái khu đỗ xe của siêu thị BigC Dĩ An (Bình Dương).

Nhiều tin đồn cho rằng công trình xanh tốn kém hơn nhiều lần so với công trình thông thường, lên đến 30 thậm chí 70-80%. Nói về điều này, ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc điều hành, Hội đồng Công trình Xanh cho rằng “Khi vẫn còn thiếu dữ liệu để chứng minh thì còn quá sớm để có thể khẳng định rằng chi phí xây dựng công trình xanh đắt đỏ”.

Ông Nguyễn Minh Thông dẫn chứng, BigC Dĩ An (Bình Dương), đã có nhiều ứng dụng thành công về công trình xanh. Cụ thể, công trình đã sử dụng 1.450 m2 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái khu đỗ xe đóng góp đến 5% tổng năng lượng tiêu thụ; bê tông tiêu thấm nước ở khu đỗ xe giúp giảm lượng nước chảy tràn, ngập úng và tái nạp nước ngầm; lớp vỏ công trình cách nhiệt tường và kính cản nhiệt; đèn chiếu sáng LED, đèn chiếu sáng tự nhiên và T5 tiết kiệm năng lượng; bồn trữ đá công nghệ Fafco cho phép nạp lạnh về đêm (trong giờ thấp điểm) và xả lạnh ban ngày (trong giờ cao điểm) nhằm tiết kiệm tối đa chi phí điện…

Ngoài ra, công trình còn sử dụng công nghệ tiết kiệm nước nhờ dùng vòi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước cho nhu cầu tưới cây, đạt hơn 10% tổng nhu cầu nước của công trình…

Theo ông Nguyên Minh Thông, công trình xanh tại Việt Nam sẽ đạt được nếu tất cả các bên liên quan cùng tham gia gánh vác trách nhiệm thúc đẩy xu hướng thị trường xanh ngay từ giai đoạn đầu.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ra mắt Cơ sở dữ liệu mở về Công trình Xanh E4G.ORG.

Theo đó, E4G là một nền tảng tích hợp toàn diện mọi nguồn cơ sở dữ liệu xanh phục vụ cho lĩnh vực công trình xây dựng và quy hoạch đô thị tại Việt Nam và các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương


  • 18/12/2013 02:49
  • Nguồn:Bizlive.vn
  • 2592