Công ty này vừa đưa vào vận hành nhà máy điện gió Phú Lạc - giai đoạn 1 công suất 24 MW tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư là 1.089 tỉ đồng cung cấp sản lượng điện hàng năm trên 59 triệu kWh, được đấu nối vào đường dây 110 kV Phan Rí - Ninh Phước. Thời gian hoàn vốn của dự án này được dự kiến từ 10-12 năm.
Dự án điện gió Phú Lạc tại Bình Thuận - Ảnh: Văn Nam
|
Trao đổi với báo chí ngày 16/2, ông Thịnh cho biết công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ 240 tỉ đồng hiện nay lên 450 tỉ đồng để triển khai các dự án điện gió lớn sắp tới với tổng công suất dự kiến khoảng 510 MW điện gió và hơn 570 MW điện mặt trời.
“Từ nay đến năm 2030 chúng tôi cần hơn 2 tỉ đô la Mỹ để phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời nói trên tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Tây Nguyên. Riêng tại Phú Lạc, Bình Thuận này, năm tới sẽ đầu tư thêm dự án điện mặt trời 100 MW nữa, chúng tôi kỳ vọng sẽ biến khu vực này thành trung tâm năng lượng xanh”, ông Thịnh nói.
Để triển khai các dự án năng lượng xanh nói trên, Thuận Bình dự kiến sẽ huy động vốn vay từ các nguồn như Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn hỗ trợ từ Đan Mạch.
Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình được thành lập năm 2009 với các cổ đông gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (25%), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE (25%), Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (20%), Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (20%), Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 3 (10%).
Chính phủ đã ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, trong đó chiến lược ưu tiên là đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, từng bước gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện (lên đến 21% về công suất và 10,7% về sản lượng vào cuối giai đoạn quy hoạch).
Theo quy hoạch, đến năm 2020 công suất điện gió Việt Nam đạt 800 MW và đến năm năm 2030 đạt công suất 6.000 MW.
Mục tiêu là vậy nhưng hiện việc đầu tư các dự án điện gió còn vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là giá mua điện gió vẫn chưa đủ khuyến khích đầu tư.
Cũng theo ông Thịnh, hiện trên cả nước, tổng công suất các dự án điện gió đã phát lên lưới điện quốc chỉ khoảng 160 MW, vẫn còn nhỏ so với tiềm năng điện gió của Việt Nam lên đến hơn 10.000 MW.
“Những khó khăn về hạ tầng giao thông đường sá, cảng biển vận chuyển thiết bị nhập khẩu cũng đẩy suất đầu tư của điện gió lên cao, hiện khoảng 2 triệu đô la Mỹ/MW, cao hơn suất đầu tư bình quân của điện mặt trời khoảng 1,2 triệu đô la Mỹ/MW”, ông Thịnh nói.
Kết quả của các vướng mắc về chính sách giá điện thấp nói trên dẫn đến việc dù các dự án điện gió được các nhà đầu tư đăng ký nhiều, với công suất lên đến gần 5.700 MW, nhưng dự án đăng ký xong phải để đó, không thể làm được. Mới đây các nhà đầu tư điện gió tiếp tục kiến nghị tăng giá mua điện gió lên 9,5 cent/kWh thì nhà đầu tư mới có lãi (hiện giá điện gió là 7,8 cent/kWh).
Điện gió làm du lịch
“Cách đây hai năm, khu Phú Lạc này không có gì cả, xung quanh chỉ có mồ mả, đất trống đồi trọc, nắng như rang, gió như than… Nay với sự khởi đầu của dự án điện gió Phú Lạc, chúng tôi sẽ biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái thân thiện môi trường kèm trang trại trồng rau sạch, nuôi gia súc cung ứng ra thị trường”, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình.
|