Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh và sạch cho Việt Nam

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Báo Công Thương phối hợp với Tập đoàn General Electric (GE) tại Việt Nam tổ chức toạ đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam”.

Toạ đàm thu hút hơn 120 lãnh đạo, chuyên gia và các diễn giả gồm: ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Viện Năng lượng, Tập đoàn Năng lượng T&T và Tập đoàn GE cùng nhiều doanh nghiệp tham dự.

Tại buổi toạ đàm, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi năng lượng và nêu ra các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp bảo đảm một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm bảo đảm nguồn điện đáng tin cậy.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Năng lượng và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi toạ đàm. 

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao.

Theo ông S.M. Lawlor, Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đổi năng lượng từ hơn một thập kỷ trước. Là đối tác lâu dài của Việt Nam, Hoa Kỳ khuyến khích Việt Nam triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra tại Hội nghị COP26.

Hiện tại, điện than vẫn chiếm tỷ trọng lên đến 1/3 tổng sản lượng điện của Việt Nam. Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đặt mục tiêu giảm điện than xuống còn khoảng 9,5% đồng thời phát triển điện tái tạo đạt tỷ lệ 32% vào năm 2045. Các nguồn điện cacbon thấp cũng được khuyến khích phát triển để giảm phát thải cacbon và hỗ trợ cho điện tái tạo.

Các đại diện từ Viện Năng lượng, EVN, USAID, T&T cùng GE trong phần thảo luận chuyên sâu về chiến lược và hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam.

Tại buổi toạ đàm đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi năng lượng, đồng thời nêu ra các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi.

Theo đó, các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ cacbon, có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon…


  • 22/06/2022 08:00
  • Thuý Linh
  • 2933