Thực hư chuyện máy ozone gây ung thư?

Gần đây có thông tin máy ozone có thể gây ung thư làm nhiều người hoang mang, lo lắng. Trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, nhiều gia đình trông cậy thiết bị này sẽ khử được tới 99% vi khuẩn, hóa chất, độc tố... Vậy, thực hư thông tin này thế nào?

TS Nguyễn Văn Khải cho rằng công cụ của máy ozone đang bị thổi phồng quá mức - Ảnh: Nguồn Internet.

Trao đổi với chúng tôi, TS.Nguyễn Văn Khải - người được mệnh danh là “ông già ozone” cho biết: “Công dụng của máy ozone đang bị thổi phồng quá mức. Nói máy ozone khử được 99% vi khuẩn, chất độc trong thực phẩm là lừa dối người tiêu dùng”.

Cũng theo TS.Khải, cơ chế hoạt động của máy ozone là tạo ra ozone (O3), một loại khí có khả năng oxy hóa mạnh, dễ dàng phá vỡ các cấu trúc phân tử hữu cơ của vi khuẩn. Nhờ đó, có thể loại trừ vi khuẩn gây độc. Tuy nhiên, khí này chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn trên bề mặt thực phẩm, không diệt được các hóa chất độc hại trong thực phẩm...

Đặc biệt, TS. Nguyễn Văn Khải khuyến cáo, máy ozone là “con dao” hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng cách, máy phát huy tốt công dụng diệt vi khuẩn. Ngược lại, nếu sử dụng quá liều lượng, sẽ gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Bởi trong quá trình sản sinh ra ozone, máy cũng sinh ra oxit nitơ (NO2). Nếu thường xuyên hít phải khí này sẽ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Nguy hiểm hơn, nếu sử dụng trong phòng kín, diện tích nhỏ, có thể dẫn tới chết người. Ở châu Âu, máy ozone chỉ sử dụng trong công nghiệp chứ không dùng khử trùng thực phẩm.

“Tuy nhiên, với những gia đình đang có máy ozone, vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Khi dùng, phải mở hết cửa cho thoáng khí”, TS. Nguyễn Văn Khải cho hay.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Máy ozone phát huy tác dụng tốt nhất với rau sống, sau khi đã rửa sạch với nước lạnh. Còn với những thực phẩm sẽ nấu chín, hay những hoa quả phải gọt vỏ khi ăn, không cần thiết phải dùng đến. Bởi khi hóa chất, hay thuốc bảo vệ thực vật... đã ngấm vào trong hoa quả, thực phẩm, máy ozone không có tác dụng. Còn với vi khuẩn thông thường, khi nấu chín thức ăn, vi khuẩn cũng bị tiêu diệt”.

Về thông tin máy ozone có thể gây ung thư, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nếu dùng quá liều lượng, máy ozone sẽ sinh ra khí, gây tổn thương phổi. Còn việc có gây ung thư hay không, hiện chưa có cơ sở kết luận.

Được biết, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, nồng độ an toàn của ozone là < 0,06 ppm trong 8 giờ. Khi ngửi được mùi hôi tanh của ozone - là lúc nồng độ ozone đã có khoảng 0,02 - 0,05 ppm, người sử dụng nên tắt máy và tránh xa, nguy hiểm nhất là với người bị hen suyễn và trẻ em.

Một số lưu ý khi sử dụng máy ozone:

Nên  Không nên

- Khử độc thực phẩm trong công đoạn cuối cùng, sau khi thực phẩm đã được rửa sạch bằng nước.

- Sử dụng các loại chậu bằng inox, thủy tinh, nhựa dùng cho thực phẩm…

- Mở tất cả cửa sổ khi sử dụng.

- Dùng găng tay khi sục rửa thực phẩm.

- Sử dụng nồng độ ozone cao, sẽ gây hại sức khỏe, chủ yếu ở hệ thần kinh và đường hô hấp.

- Sử dụng các loại vật liệu bằng sắt, nhôm, đồng... sẽ bị ozone làm phân hủy.

- Ngửi, hít trực tiếp khí ozone.

 


  • 16/11/2016 04:26
  • Theo: Chuyên đề Thế giới điện
  • 5501