Tiêu chí gắn với tăng trưởng xanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo “Sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiêu chí gắn với tăng trưởng xanh” do Quỹ Phát triển doanh nhỏ và vừa, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) xây dựng, ngoài việc DNNVV phải đáp ứng các điều kiện nhận hỗ trợ tín dụng theo quy định thì đồng thời phải đáp ứng 5 nhóm tiêu chí về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa

Theo đó, 5 nhóm tiêu chí gồm: Sản phẩm đầu ra phải đảm bảo chất lượng cao, sử dụng vật liệu mới, sử dụng năng lượng mới. Tiêu chí về Tính đổi mới - cần đảm bảo đổi mới trong trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động, chế tạo sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao. Tiêu chí về Môi trường - phải đảm bảo sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hoặc sản phẩm sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án, phương án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Tiêu chí về Năng lực quản trị điều hành của doanh nghiệp, trong đó yêu cầu năng lực, kinh nghiệm quản trị điều hành của người quản lý doanh nghiệp phải có ít nhất một thành viên của ban giám đốc có 03 năm kinh nghiệm làm việc trở lên trong lĩnh vực có liên quan đến dự án đề xuất hoặc có 03 năm kinh nghiệm trở lên về quản lý doanh nghiệp… Tiêu chí về Tạo việc làm và yếu tố về giới - cần đảm bảo sản xuất kinh doanh tạo nhiều việc làm mới và sử dụng nhiều lao động nữ.

Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội.

Một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp xanh nếu cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ xanh và/hoặc có quy trình sản xuất xanh. Các sản phẩm và dịch vụ xanh là những sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn lực hiệu quả và giảm thiểu chất thải. Mặt khác, các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất để tiêu tốn ít năng lượng và chất liệu, ít lãng phí và phát thải cũng được xem là doanh nghiệp xanh. Ngoài ra, doanh nghiệp xanh còn là doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc và hệ thống phúc lợi tốt cho người lao động.

Tăng trưởng xanh cần được nhìn nhận là cơ hội mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi:

 • Sự gia tăng suy thoái của tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do đó, mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm được tăng cao và nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, sạch cũng tăng thêm;

• Xu hướng sử dụng sản phẩm thay đổi. Người dân ngày càng quan tâm đến các sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường và bảo vệ môi trường. Vì vậy, muốn phát triển sản phẩm nhất thiết phải tôn trọng các yêu cầu môi trường;

 • Nhu cầu về các sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường và sinh thái ngày càng tăng. Do vậy, thị trường đang phát triển theo hướng mở rộng cả về phạm vi và về cơ hội đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo hướng xanh và phát triển bền vững.


  • 11/02/2020 10:45
  • Phương Mai
  • 1602