Theo quy hoạch các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, diện tích đất khảo sát là 35.740 ha, quy mô công suất tiềm năng 1.470 MW (thuộc 3 vùng), trong đó, giai đoạn 1, đến năm 2020 phát triển các dự án điện gió tại 13 vị trí, với diện tích khảo sát 27.800 ha, quy mô công suất tiềm năng 1.155 MW (quy mô công suất phát triển 200 MW); giai đoạn 2 từ năm 2021-2030 phát triển các dự án điện gió tại 9 vị trí, với diện tích khảo sát 7.940 ha, quy mô công suất tiềm năng 315 MW (trong giai đoạn này không quy hoạch công suất phát).
Đến nay, tỉnh đã chấp thuận cho 12 nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát để đề xuất dự án xin chủ trương đầu tư, có 8 nhà đầu tư thuộc giai đoạn 1 và 4 nhà đầu tư thuộc giai đoạn 2. Trong đó 6 nhà đầu tư đã xin chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư điện gió tại các vị trí theo quy hoạch gồm: Công ty TNHH Xây dựng thương mại - dịch vụ Công Lý, đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy điện gió số 1 tại vùng đất bãi bồi ven biển xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu với diện tích khảo sát là 1.200 ha, quy mô công suất 50MW; Tập đoàn Phú Cường đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện gió số 2, 4, 7, 8, 9 tại vùng đất bãi bồi ven biển xã Vĩnh Tân, phường 1, phường 2, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu và xã Trung Bình, huyện Trần Đề, diện tích khảo sát là 12.700 ha, quy mô công suất 560 MW; Công ty TATA Power (Tập đoàn TATA - Ấn Độ) đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy điện gió số 22 tại vùng đất liền xã Trung Bình và Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, diện tích khảo sát 2.600 ha, quy mô công suất 100 MW; Công ty Cổ phần Phát triển kỹ thuật xây dựng đang lập hồ sơ đề nghị cấp chủ trương đầu tư tại vị trí số 5, với công suất giai đoạn 1 là 25 MW...
Với tình hình đăng ký triển khai các dự án điện gió của nhà đầu tư thực hiện giai đoạn đến năm 2020 với quy mô công suất ở giai đoạn 1 khoảng 600 MW, Sở Công Thương đề xuất điều chỉnh danh mục và quy mô công suất quy hoạch phát triển điện gió đến năm 2020 là 600 MW cho phù hợp với tiềm năng và thực tế đăng ký triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư tại các vùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Thành Trí - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, tiềm năng phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, sau buổi làm việc này, mong đoàn sẽ tham mưu Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh về quy hoạch phát triển điện gió. Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành giá để các dự án sớm được triển khai theo quy hoạch. Ngoài ra trong thời gian lập đề án điều chỉnh, kiến nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, xem xét điều chỉnh danh mục và quy mô công suất của từng dự án để nhà đầu tư triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Theo ông Phạm Trọng Thực, đại diện đoàn công tác Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển điện tái tạo, phía địa phương tranh thủ cơ hội triển khai các dự án đã được quy hoạch khai thác lợi thế về tài nguyên gió, đất đai, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió, tăng thêm nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Phía địa phương cần những điều chỉnh trong quy hoạch thì sớm có đề án báo cáo với lãnh đạo Bộ Công Thương để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế giá mua điện nhằm thay thế Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ; phía Cục tiếp tục hỗ trợ cho địa phương trong việc nghiên cứu, đánh giá về tiềm năng phát triển các dự án điện gió để lập đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Nam sớm triển khai thực hiện dự án đường dây 110 kV Bạc Liêu - Vĩnh Châu và đường dây 110 kV Sóc Trăng 2 - Trần Đề”, ông Thực nhấn mạnh.