Ôm mộng làm giàu từ “đào” bitcoin, rất nhiều “mỏ” khai thác tiền ảo xuất hiện tại quốc gia tỷ dân, kéo theo những câu chuyện dở khóc, dở cười xung quanh bitcoin, trong đó có chuyện ăn trộm điện để đào bitcoin.
Vì hệ thống “đào” tiền ảo cần phải sử dụng một lượng lớn năng lượng và chi phí lớn nhất trong khai thác tiền ảo chính là điện nên các công ty đào tiền ảo trên khắp Trung Quốc thường chọn cách ăn cắp điện nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Thế nên mới có chuyện một mỏ khai thác trái phép tại một làng ở tỉnh Hà Bắc phải cho người canh gác 24/24 ở cổng làng để báo động cho người trong làng biết khi nào có cơ quan chức năng xuống kiểm tra.
Cũng vì có giá điện thấp so với các tỉnh thành khác nên các “mỏ” khai thác bitcoin tại Trung Quốc hiện tập trung ở khu tự trị Nội Mông, Tân Cương và Tứ Xuyên. Tuy nhiên, thú đam mê đào bitcoin của các “thợ đào” tại Nội Mông đang bị đe dọa nghiêm trọng khi chính quyền của khu tự trị này tuyên bố sẽ đóng cửa mọi dự án liên quan đến khai thác tiền ảo từ tháng 4 tới. Lý do được cơ quan chức năng đưa ra là để tiết kiệm năng lượng.
Một hệ thống máy đào bitcoin tại Trung Quốc
|
Nội Mông là khu vực duy nhất trong 30 khu vực bị đánh giá không đạt được mục tiêu về tiêu thụ năng lượng trong năm 2019. Trong giai đoạn từ 2016-2019, cường độ sử dụng năng lượng ở Nội Mông đã tăng 9,5%. Chính vì vậy, chính quyền khu tự trị đang bị sức ép nặng nề trong việc cắt giảm sản lượng điện năng tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đặt ra mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng lượng khí thải carbon trước năm 2030, cũng như đạt trung hòa carbon trước năm 2060.
Để thực hiện mục tiêu giảm mức tiêu thụ điện năng xuống 1,9% vào năm 2021, cấm đào bitcoin là một biện pháp, bên cạnh việc đóng cửa các công ty nhỏ với công nghệ lạc hậu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thép, điện cực bằng than chì, nhiệt điện chạy bằng than… vào cuối năm 2022.
Trên thực tế, năm 2018, Trung Quốc đã tính đến chuyện cấm khai thác tiền ảo do nhận thấy năng lượng tiêu thụ cho việc khai thác quá lớn. Trước những diễn biến mới trong quản lý khai thác bitcoin tại Trung Quốc, James Kuo - một chuyên gia blockchain ở Thượng Hải - nhận định các biện pháp như Nội Mông thực hiện có thể dẫn đến sự biến động ngắn hạn đối với sức mạnh hệ thống khai thác tại Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, nó có thể làm xói mòn khả năng kiểm soát mạng lưới bitcoin của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng lệnh cấm hay chi phí điện cao cũng không thể ngăn các thợ đào bitcoin Trung Quốc trước sức cám dỗ của đồng tiền ảo. Cái khó ló cái khôn, họ chuyển địa bàn hoạt động từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Iran, quốc gia có giá điện thấp bằng 1/5 tại Trung Quốc.
Hôm 8/2 vừa qua, cơ quan chức năng Iran đã tiến hành điều tra sự cố mất điện thường xuyên xảy ra tại miền Nam nước này thời gian gần đây. Kết luận ban đầu được đưa ra là các mỏ đào bitcoin của “thợ đào” người Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều và làm sập hệ thống điện tại đây.
Link gốc