Dự án nhà máy năng lượng tái tạo đầu tiên tại Ả Rập Xê Út đã chính thức đi vào hoạt động. Nguồn ảnh: www.powergenadvancement.com.
|
Nhà máy điện mặt trời nói trên được xây dựng với công suất 300MW, tại vùng Al-Jouf (phía Tây Bắc Ả Rập Xê Út).
Theo Thái tử bin Salman, đây được coi là “bước đi đầu tiên trong việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo” của nước này.
Đây là dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn đầu tiên tại quốc gia Tây Á này đi vào hoạt động, có trị giá hơn 1,2 tỉ Riyal (tức khoảng 7.381 tỉ đồng). Dự án nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình Năng lượng tái tạo Quốc gia của Ả Rập Xê Út, với mục tiêu "khổng lồ" - 60GW năng lượng tái tạo - vào năm 2030, trong đó 40GW là điện mặt trời.
Tầm nhìn đến 2030, Vương quốc này đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, đa dạng hóa hỗn hợp năng lượng và khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của mình. Các mục tiêu của Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREP) cho 5 năm là 27,3GW và 12 năm là 58,7GW.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman, ngoài dự án nhà máy điện mặt trời Sakaka IPP sẽ có thêm 7 dự án nhà máy điện mặt trời và 1 dự án điện gió nữa đang được lên kế hoạch trong tương lai gần, sẽ cung cấp thêm cho quốc gia Tây Á này hơn 3.600 MW, góp phần cung cấp năng lượng cho hơn 600.000 hộ gia đình và giảm lượng phát thải khí nhà kính hơn 7 triệu tấn.
Các dự án trên nằm trong chiến lược của Ả Rập Xê Út nhằm đạt các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và tìm ra các hệ thống năng lượng bền vững hơn cũng như ít tốn kém hơn đồng thời tạo ra thị trường cạnh tranh quốc gia cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.