Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, Công ty Điện lực Quảng Bình và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trang trại và hộ gia đình. Báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc cho UBND tỉnh trong quá trình triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời chỉ đạo.
Ngoài ra, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi lắp đặt điện mặt trời mái nhà đối với các tổ chức, cá nhân, các dự án đầu tư trên các tòa nhà, công xưởng, trụ sở hành chính.
UBND tỉnh yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Bình hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình điểm về phát triển điện mặt trời mái nhà; phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn cho những tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhân rộng mô hình triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà; hoàn thiện và công khai quy trình tiếp nhận hồ sơ thủ tục, hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án điện mặt trời mái nhà của các cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Điện lực cấp huyện phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn hướng dẫn kỹ thuật cho cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện nhằm đảm bảo điều kiện vận hành của lưới, tránh tình trạng gây quá tải hệ thống điện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, các hộ dân tại địa phương hưởng ứng đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo chủ trương của Nhà nước.