Ứng dụng công nghệ phát thải thấp trong dệt may: Giải pháp tiết kiệm hiệu quả

Bình quân mỗi năm, ngành dệt may mất khoảng 3 tỷ USD cho chi phí năng lượng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất của các doanh nghiệp dệt may trong nước cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Ông Vũ Đức Giang- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết: Giá thành sản xuất đang là điểm yếu của doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam. Điều này không chỉ đến từ nguyên nhân khách quan mà còn xuất phát từ nội tại sản xuất của ngành. Nhiều DN vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn năng lượng, hiện 50% thiết bị ngành dệt - nhuộm có từ trước năm 1996. Theo đại diện Vitas, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới rất gần, việc ứng dụng công nghệ tự động, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, nhận thức của DN còn rất sơ sài, thậm chí phó mặc cho các nhà sản xuất thiết bị và chưa tính đến tiết kiệm năng lượng trong khả năng giảm chi phí.

Số liệu từ Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) cũng cho thấy: Chi phí năng lượng đang chiếm khoảng 15% tổng chi phí sản xuất của DN và mỗi năm, ngành dệt may tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD cho chi phí này.

Phát biểu tại Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng công nghệ năng lượng phát thải thấp cho các DN dệt may Việt Nam”, ông Christopher Abrams - Giám đốc Phòng Môi trường và phát triển xã hội (USAID) - cho hay: Ngành công nghiệp dệt may thế giới hiện đang phát triển rất mạnh, việc sử dụng công nghệ xanh, sạch, năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng tất yếu, mang lại hiệu quả thiết thực cho DN. Bộ Công Thương Việt Nam cũng từng đánh giá, việc áp dụng công nghệ phát thải thấp, tiết kiệm năng lượng có thể giảm 30% chi phí cho DN dệt may. Đồng nghĩa mỗi năm, ngành có thể giảm 1 tỷ USD chi phí năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng góp phần giảm chi phí sản xuất

“USAID mong muốn tiếp tục hợp tác với Vitas để phổ biến công nghệ, giải pháp về năng lượng, tài chính, giúp DN dệt may giảm nhu cầu sử dụng năng lượng mà vẫn tăng hiệu quả kinh doanh, môi trường và tăng tính bền vững cho sản phẩm”.- ông Christopher Abrams nói.

USAID hiện đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình năng lượng phát thải thấp nhằm hỗ trợ xây dựng khung chính sách và cơ chế để khuyến khích phát triển các giải pháp năng lượng phát thải thấp, đồng thời thu hút đầu tư công- tư trong phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp.

Riêng với ngành dệt may, ông Nguyễn Thanh Hà - Trưởng Hợp phần 3 (USAID) cho biết: DN dệt may có nhiều dòng sản phẩm và công đoạn sản xuất, theo đó tiêu thụ nhiều dạng năng lượng như than, khí nén, trong đó, điện năng là chủ yếu. Chương trình sẽ hỗ trợ các DN tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, năng lượng tái tạo hoặc các thiết bị sử dụng phế phẩm của ngành để tạo năng lượng.

Tuy nhiên, để chương trình đạt kỳ vọng, ông Vũ Đức Giang đề xuất: Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN phối hợp với các nhà khoa học, tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ về tiết kiệm điện năng. Có sự thống nhất về quản lý nhà nước tại các bộ, ngành liên quan, tạo điều kiện cho DN.

Ông Vũ Đức Giang - Tổng Thư ký Vitas: DN cần thay đổi tư duy về tiết kiệm năng lượng trong giảm chi phí và hạ giá thành sản xuất, nhất là trong bối cảnh chi phí điện năng của Việt Nam còn cao gần gấp 2 lần so với một số nước trong khu vực.

 


  • 06/09/2017 03:25
  • Nguồn: baocongthuong.com.vn
  • 1881