Chị Nguyễn Thái Thủy Tiên, nhân viên tư vấn khách hàng Electrolux Việt Nam cho biết: Máy giặt sử dụng lâu ngày thường hay bị bám bụi, chất bẩn ở các túi lọc. Một số vật dụng từ túi quần áo như tiền, cúc áo, đinh ốc… thường hay bị rơi ra và mắc lại ở trong lồng máy giặt, làm ảnh hưởng đến quá trình giặt.
Theo chuyên gia tư vấn, một số chất bẩn sẽ dễ dàng theo nước thoát ra ngoài. Còn những chất bẩn cứng đầu hay dạng vôi sẽ bám lại trong lồng giặt mà bằng mắt thường bạn sẽ không thể nào nhìn thấy được. Theo thời gian, các chất bẩn này sẽ tích tụ và tạo ra ổ vi khuẩn, nấm mốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời làm giảm tuổi thọ của máy.
Vì vậy khi sử dụng máy giặt, người sử dụng nên tiến hành vệ sinh máy định kỳ trung bình 2 tuần/lần và thực hiện trước một ngày so với lần giặt giũ tiếp theo là tốt nhất. Lưu ý, trước khi tiến hành, người sử dụng nên tắt máy, rút dây điện khỏi ổ cắm để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vệ sinh máy giặt.
Việc vệ sinh máy giặt sẽ giúp duy trì độ bền cho máy giặt. Ảnh minh họa
|
Các khâu vệ sinh máy giặt bạn có thể tham khảo:
Vệ sinh thân máy: Người sử dụng nên lau chùi khô ráo và sạch sẽ bằng khăn hoặc vải mềm. Tránh dùng bàn chải, các hóa chất tẩy rửa… để lau chùi vì nó có thể gây hại cho các linh kiện cũng như sẽ làm bong lớp sơn phủ bên ngoài.
Vệ sinh lưới lọc của van cấp nước: Việc vệ sinh này giúp tránh bị tắc do cặn bẩn. Người sử dụng cần đóng vòi nước và bật công tắc nguồn, chọn nước nóng (hoặc lạnh) rồi ấn nút START/PAUSE để rút hết nước trong vòi, sau đó tắt điện, rút phích cắm của máy và lấy phin lọc ra khỏi van. Sử dụng bàn chải cọ rửa những cặn bẩn và lắp phin lọc vào vị trí cũ.
Lưu ý: Không được vứt bỏ hoặc làm thủng lưới lọc, tránh làm hỏng van cấp nước.
Vệ sinh lưới lọc xơ vải: Công việc này cần được thực hiện thường xuyên. Tháo lưới lọc ra khỏi máy, dùng bàn chải vệ sinh thật kỹ.
Vệ sinh ngăn đựng nước xả và xà phòng: Thông thường, máy giặt có thể tự bơm nước lấy sạch lượng xà phòng và nước xả trong ngăn. Nhưng sau một thời gian sử dụng, ngăn đựng sẽ còn vương lại một lượng bột giặt, người sử dụng lấy bàn chải mềm để rửa các góc của ngăn đựng, đảm bảo xà phòng cũ không còn đông két.
Vệ sinh lồng giặt: Nếu máy giặt của bạn có chương trình giặt nóng thì hãy cho vào 2 chén nước tẩy (cũng có thể là chanh, dấm ăn sẽ thân thiện môi trường hơn) và cho máy giặt chạy mà không có quần áo bên trong với chu trình dài nhất. Sau đó, cho máy giặt dừng giữa chừng một lúc để dung dịch có thể ngấm sâu vào các lỗ, kẽ trong lồng giặt. Giặt tiếp cho đến khi kết thúc.
Nếu máy giặt nào không có chương trình giặt nóng thì người sử dụng nên tự chuẩn bị và đổ vào. Tuy nhiên, cần kiểm tra lại thật kỹ càng lồng giặt có thể chịu được mức nhiệt bao nhiêu. Vì đối với một số lồng giặt bằng nhựa, nước quá nóng sẽ gây biến dạng lồng giặt.
Hiện nay, rất nhiều máy giặt có chế độ " vệ sinh lồng giặt", người sử dụng chỉ cần chọn chế độ “vệ sinh lồng giặt” để máy tự động vệ sinh.