Theo anh Nguyễn Thanh Tâm, nhân viên bảo hành Sanyo Việt Nam: Câu trả lời chính là tại nguồn nước giặt cứng hơn bình thường. Nước cứng là thuật ngữ dùng để chỉ nước có chứa lượng khoáng chất như can xi, ma giê… ở mức cao. Nước cứng làm giảm sức mạnh làm sạch của xà phòng và để lại khoáng chất thải, lớp vôi hóa, trên bề mặt nó tiếp xúc.
Anh Tâm cũng cho biết thêm: Việc phát hiện nước cứng không có gì khó khăn cả. Bạn có thể nhận biết nước cứng qua các hiện tượng như: Trong thành ấm đun nước có đóng lớp cặn màu trắng ngà; bồn rửa bát, bồn tắm; bồn cầu bị xỉn màu nâu hoặc nhờ vàng; xà phòng ít ra bọt; có các đốm màu trên đĩa bát, cửa nhà tắm…
Nước cứng làm giảm sức mạnh làm sạch của xà phòng và để lại khoáng chất thải, lớp vôi hóa, trên bề mặt nó tiếp xúc. Ảnh minh họa.
|
Nước cứng làm giảm hiệu suất chất tẩy rửa, do đó mỗi mẻ giặt cần phải sử dụng nhiều chất tẩy rửa hơn so với bình thường. Khi khoáng chất trong nước cứng đóng cặn trên quần áo, vải sợi mất đi sự co dãn tự nhiên và đó là lý do tại sao quần áo có cảm giác thô cứng.
Ngoài ra, nước cứng lâu ngày đóng cặn trong các đường ống dẫn nước và các bộ phận quan trọng khác của máy giặt như bộ phận nhiệt, trống giặt ở mọi nhiệt độ. Nó sẽ làm cho các bộ phận này nhanh dòn, gãy và giảm tuổi thọ chung của máy giặt.
Để giảm tối thiểu ảnh hưởng của nước cứng lên tuổi thọ của máy giặt, hiện có một số loại chất tẩy rửa dành riêng cho nước cứng, hoặc bạn có thể sử dụng hệ thống làm mềm nước cho tất cả đồ dùng nhà bếp, trong đó có máy giặt.
Ngoài ra, bạn có thể tự làm sạch cặn nước cứng trong máy giặt của mình bằng cách đổ khoảng 3,5 lít dấm trắng và khởi động máy giặt không quần áo ở chế độ nước nóng.