Việt Nam có tiềm năng hơn 10.000 MW điện gió/năm

Tại Hội thảo năng lượng gió Việt Nam tổ chức tại TPHCM vào ngày 1/12, các chuyên gia nhận định, Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió rất lớn có thể đạt tới 10.000 MW mỗi năm, đặc biệt là khu vực phía Nam. Đây là con số đáng kể giảm tải cho hệ thống thủy điện và nhiệt điện.

Hội thảo do Đại sứ quán Đan Mạch và Vestas – Nhà cung cấp năng lượng điện gió hàng đầu thế giới đồng tổ chức.

Hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có Bạc Liêu, Ninh Thuận và Bình Thuận triển khai các dự án điện gió và cũng mới có 4 dự án điện gió đã có điện bán vào hệ thống điện quốc gia là dự án điện gió tại Tuy Phong (Bình Thuận), dự án phong điện trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), dự án điện gió Trung Nam (Ninh Thuận) và dự án điện gió Bạc Liêu.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sở dĩ điện gió ở nước ta phát triển còn thấp là do việc đầu tư cho phát triển loại hình năng lượng sạch này còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là chưa tìm được các nhà đầu tư chiến lược, vì giá bán điện gió hiện tại thấp hơn thủy điện và nhiệt điện, nên chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Ngoài dự án điện gió Bạc Liêu được bán điện với giá 9,8 cent/kWh là nhờ điện gió trên biển, các dự án còn lại trên đất liền phải áp dụng mức giá là 7,8 cent/kWh. Trong đó, 6,8 cent/kWh do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả, 1 cent còn lại chi từ Quỹ Bảo vệ môi trường.

Theo nghiên cứu trước đó của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), với mỗi MW điện gió tại Việt Nam, chi phí đầu tư trung bình là 2 triệu USD, chi phí vận hành hằng năm là 35.000 USD, nên giá mua 7,8 cent/kWh không khuyến khích được đầu tư vì chủ dự án sẽ lỗ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất ngân hàng hiện tại cho các dự án này còn quá cao (từ 9-10%/năm), nên khó thu hút đầu tư vào điện gió.


  • 04/12/2016 09:25
  • Lưu Hiền
  • 1658