Ông Joerg Rueger (đứng) - Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam trình bày tại hội thảo. Ảnh: Ng.Tuấn. |
Dự án được thực hiện đến năm 2023 nhằm phát triển các điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng năng lượng sinh học bền vững để phát điện, nhiệt ở Việt Nam. Bên cạnh đó, sự phát triển ổn định của năng lượng sinh khối cũng đem lại lợi ích kinh tế cho người sử dụng điện, đồng thời giải quyết vấn đề việc làm cho nông dân.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ thực hiện để đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo được nêu trong Quy hoạch điện VII sửa đổi, Chiến lược tăng trưởng xanh và Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: “Việt Nam là nước nông nghiệp với nhiều tiềm năng về năng lượng sinh khối. Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực nâng cao tỷ trọng sinh khối trong sản xuất điện năng. Các cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển điện sinh khối đã được sửa đổi bổ sung năm 2020 nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Việt Nam hy vọng sẽ đạt được mục tiêu tỷ trọng điện sinh khối sản xuất đến năm 2030 đạt 2,1% như đã được đề cập trong Quy hoạch phát triển điện VII sửa đổi”.
Ông Joerg Rueger, Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam khẳng định, dự án BEM sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng tỷ trọng năng lượng sinh khối trong nước. Năng lượng sinh khối được coi là trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững do tận dụng tối đa các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như bã mía để phát điện, góp phần bảo vệ khí hậu.
Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: Cải thiện khung pháp lý cho việc phát triển năng lượng sinh khối; nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính, tổ chức liên quan, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân tham gia vào quá trình phát triển; thúc đẩy hợp tác công nghệ, nghiên cứu và phát triển giữa các bên liên quan trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực năng lượng sinh khối.