Pin mặt trời sử dụng hỗn hợp các phân tử hữu cơ để hấp thụ ánh sáng, chuyển đổi thành điện năng dùng cho xe ô tô
|
Theo trang tin Siliconrepublic (SRC) của Ireland số ra ngày 12/9, Đại học Warwick (UoW), Vương quốc Anh hiện đang nghiên cứu, cho ra đời một loại vật liệu mới, tạo ra một cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp ô tô. Nghiên cứu của UoW vừa được công bố trên tạp chí Advanced Functional Materials là pin mặt trời sử dụng hỗn hợp các phân tử hữu cơ để hấp thụ ánh sáng, chuyển đổi thành điện năng dùng cho xe ô tô.
Nếu thành công, các loại xe điện trong tương lai có thể được phủ gần như toàn bộ pin mặt trời linh hoạt này, kể cả các bề mặt cong nhỏ. Pin gồm một màng mỏng bán dẫn hữu cơ giữa hai điện cực. Từ lâu người ta đã giả định, 100% bề mặt của mỗi điện cực phải dẫn điện để tối đa hóa hiệu quả khai thác điện tích. Trong nghiên cứu của UoW, các điện cực này chỉ cần chưa tới 1% diện tích bề mặt là mang lại hiệu quả tối đa. Điều này sẽ mở ra cơ hội sử dụng toàn bộ các vật liệu composite ở giao diện giữa các điện cực và các lớp bán dẫn hữu cơ để gom ánh sáng, cải thiện hiệu suất thiết bị và giảm chi phí.
Theo Dr. Ross Hattonha, trưởng nhóm nghiên cứu, pin mặt trời hữu cơ còn rất thân thiện với môi trường do không chứa các yếu tố độc hại và có thể được xử lý ở nhiệt độ thấp bằng cách lắng đọng cuốn để cuộn ( roll-to-roll) nên lượng thải carbon thấp.
Thiết kế này khá độc đáo, phù hợp với mục đích lắp trên xe mà pin mặt trời thông thường không làm được. Pin mặt trời thông thường có thể sản xuất điện quy mô lớn trong các trang trại hay trên nóc tòa nhà, nhưng lại không phù hợp với xe điện và tích hợp vào cửa sổ các tòa nhà, nhưng pin mặt trời hữu cơ của UoW bỏ qua được nhược điểm này, phù hợp cả với bề mặt cong, cấu hình rất nhẹ.