Xử lý tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD: Cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn

Bộ Xây dựng đang xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình khoa học trọng điểm về xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất.

Theo đó, mục tiêu là tới năm 2020 phải sử dụng được ít nhất 60% phế thải tro xỉ, thạch cao từ những nhà máy nhiệt điện (NMNĐ), cơ sở sản xuất phân bón, hóa chất làm vật liệu xây dựng (VLXD). Mục tiêu này liệu có khả thi khi mà việc xử lý tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD còn hạn chế?

Phối hợp hiệu quả giữa đơn vị phát thải và nhà thầu xử lý phát thải

Trở lại câu chuyện Công ty CP Sông Đà Cao Cường (SCL) đầu tư dây chuyền xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Phả Lại thành tro bay, phụ gia sản xuất VLXD, ông Nguyên Văn Quyên - Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho biết: Trước khi SCL tham gia xử lý tro xỉ, bãi chứa tro xỉ thải của NMNĐ Phả Lại cũng khiến Công ty phải đau đầu về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo tính toán về vòng đời của NMNĐ Phả Lại, bãi chứa của nhà máy từ lâu đã đầy và phải đắp thêm đập xung quanh các quả đồi để tạo thêm bãi thải. Nhưng từ khi SCL thu mua và xử lý tro xỉ, không những tro xỉ thải ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đấy, mà bãi thải ngày trước cũng được múc dần đi. Hồ chứa giờ gần như không có gì.

Theo ông Quyên, đầu tư dây chuyền xử lý tro xỉ như SCL không đơn giản, vừa đòi hỏi đơn vị xử lý có yếu tố khoa học, vừa đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Quan trọng hơn nữa là đơn vị xử lý tro xỉ phải ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sau xử lý, như SCL là phải tìm được đầu ra cho các sản phẩm tro bay, gạch nhẹ AAC… Điều này giải thích vì sao, không phải cứ DN thích là có thể đầu tư dây chuyền xử lý tro xỉ thành phụ gia sản xuất VLXD.

Đề cập đến việc SLC phải mua tro xỉ thải của NMNĐ Phả Lại với giá 81 nghìn đ/tấn, ông Quyên cho biết: Tro xỉ là sản phẩm phụ, bán đắt hàng của NMNĐ Phả Lại. Là Công ty CP, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại phải có trách nhiệm với cổ đông nên không thể cho không tro xỉ. Hơn nữa, số tiền thu được từ bán tro xỉ cũng sẽ được đầu tư trở lại cho việc xử lý nước thải được thải ra trong quá trình xử lý tro xỉ từ nhà máy của SCL.

Theo quy trình, tro xỉ của NMNĐ Phả Lại được hóa lỏng từ hồ thải và được đưa về nhà máy xử lý của SCL qua tuyến ống dẫn dài hơn 2km. Tại nhà máy của SCL, tro xỉ được tách than và xử lý thành tro bay. Nước thải của quá trình xử lý sẽ được dẫn ngược lại NMNĐ Phả Lại để xử lý trước khi tái sử dụng nước vào việc hóa lỏng tro xỉ…

Ông Quyên phân tích: Nếu SCL phải tự xử lý nước thải này thì chắc chắn chi phí đầu tư công nghệ dây chuyền, chi phí vận hành rất lớn, sẽ đẩy giá thành sản phẩm tro bay của SCL rất cao, khó có thể tiêu thụ được. Về phần NMNĐ Phả Lại, thay vì bỏ tiền nâng cao đập bể chứa thải và đối diện với nguy cơ bãi thải gây ô nhiễm môi trường thì góp vốn với nhà thầu và xử lý một phần môi trường. Nhà thầu có lợi nhuận còn NMNĐ có môi trường tốt, cả hai cùng có lợi.

Theo ông Quyên, với các NMNĐ, quan trọng là cần có chính sách để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào quá trình xử lý tro xỉ thải, bảo vệ môi trường chứ không phải là thu lợi nhuận từ việc bán tro xỉ. Bởi chi phí xử lý nước thải không hề nhỏ.

Được biết, Cty CP Nhiệt điện Phả Lại đang cân nhắc giá bán tro xỉ ưu đãi hơn cho SCL bởi Công ty này nhận định: SCL là khách hàng gắn bó lâu dài và mô hình công nghệ xử lý tro xỉ của SCL khá triệt để. Mô hình hợp tác giữa đơn vị phát thải và nhà thầu xử lý phát thải khá hiệu quả, cần được khuyến khích nhân rộng.

DN xử lý tro xỉ phải được lợi

Cũng đề cập đến giải pháp, cơ chế để có thật nhiều hơn nữa các nhà đầu tư xử lý tro xỉ từ phát thải NMNĐ, ông Lương Đức Long - Viện trưởng Viện VLXD thẳng thắn: Hiện nay, cơ chế chính sách đã có, nhưng mới ở tầm vĩ mô, chưa cụ thể chi tiết để cho nhà đầu tư được hưởng lợi nhiều hơn.

Theo ông Long, để DN đầu tư thì DN phải có lợi và có đầu ra. Và để DN có lợi thì cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa. Ví dụ, khi DN đầu tư phải có lợi bằng tiền hay DN được giảm thuế, hoặc được ưu đãi về đất đai. Đối với các nhà nghiên cứu, cần nghiên cứu ra công nghệ để giảm chi phí, giá thành. Các cơ sở phát thải cần có phí để trả cho người sử dụng, đầu tư xử lý vật liệu đó. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục phổ biến kiến thức, cách sử dụng tro bay cho nhà sản xuất; cần có chế tài để hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên khi đã có phế thải công nghiệp có thể thay thế được.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD cho rằng: Để hỗ trợ cho các DN, cần quán triệt tốt Nghị định 24a (về quản lý VLXD), Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao tại các NMNĐ, hóa chất và Quyết định 567/QĐ-TTg (Chương trình phát triển VLXKN), đặc biệt là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Trong thời gian tới, các đơn vị phát thải sẽ buộc phải xử lý triệt để tro xỉ thải. Nếu bản thân đơn vị không thực hiện được thì phải bỏ tiền ra thuê đơn vị khác để xử lý…


  • 19/08/2016 09:37
  • Theo baoxaydung.com.vn
  • 3599