Tại lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đình Tường Phiêu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ - ông Doãn Trung Tuấn khẳng định Ủy ban Nhân dân huyện Phúc Thọ sẽ thành lập Ban quản lý di tích, Ban bảo vệ, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.
Vẻ đẹp đặc trưng của đình Tường Phiêu - Nguồn ảnh: phapluatdansinh.vn.
|
"Địa phương sẽ lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đình Tường Phiêu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt" - ông Doãn Trung Tuấn nhấn mạnh.
Lễ đón nhận được tổ chức vào buổi tối gắn với nghi thức đốt “Đình liệu” - nghi thức truyền thống trong Lễ hội Đình Tường Phiêu vào ngày 14-16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Đình Tường Phiêu là một di tích cổ kính nổi tiếng xứ Đoài, có bố cục độc đáo với duy nhất một đơn nguyên kiến trúc làm tăng dáng vẻ bề thế thâm nghiêm của di tích thờ Thành hoàng làng. Đơn nguyên kiến trúc này có niên đại sớm và có giá trị nghệ thuật cao, tiêu biểu nhất là tòa Đại đình. Nghệ thuật chạm khắc trong đình Tường Phiêu mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.
Các di vật trong Đình hiện còn số lượng lớn và mang giá trị nghệ thuật thế kỷ 17-18. Ngoài ra, Đình Tường Phiêu là một “kho” bảo tồn và lưu trữ một khối lượng hiện vật phong phú như ngai thờ, bài vị, bát bửu, sắc phong... Đáng lưu ý là cửa võng gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 tại trước cửa gác lửng thờ Thành hoàng làng.
Đình Tường Phiêu cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư. Gắn kết với việc phụng thờ vị phúc thần có công với đất nước, đình Tường Phiêu còn bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể khá độc đáo, đó là lễ hội Tường Phiêu tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hàng năm.