Công việc của người thợ điện cũng đủ đầy mọi cung bậc cảm xúc. Ảnh: CTV
|
Đồng nghiệp tôi kể: Mỗi lần đi tuyến, phải mang vác trên người túi, dây an toàn, dao rựa phát tuyến, vật tư dụng cụ... Địa hình đồi núi, xe không đi được nên phải cuốc bộ trèo rừng, lội suối từ cột này sang cột khác. Nhìn thấy cột điện phía trước nhưng muốn đến được phải mất hơn một giờ đi bộ, cứ ngược dốc mà đi. Lúc ấy mồ hôi túa ra, áo quần ướt đẫm, mũi mồm thi nhau thở... Chưa kể những lần treo mình trên cột chót vót giữa trưa nắng hay trong làn mưa xối xả...
Còn tôi, vẫn nhớ như in lần nghe tin đồng nghiệp mình bị nạn, sự hoảng hốt xen lẫn nỗi đau. Chỉ là sơ sẩy một chút thôi... nhưng cái giá phải trả lại quá đắt, đôi khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống con người.
Vậy mà nhiều người vẫn "hồn nhiên" nghĩ dòng điện phải luôn sáng, tự nhiên như khí trời hay nước uống vậy. Vị đắng len dần khi những lần mất điện, các anh lại được gọi tên. Thông cảm thì ít, bức xúc thì nhiều.
Như khi nhấp chén trà đắng rồi vị ngọt lan dần, con người ngành Điện còn có muôn vàn cung bậc cảm xúc từ niềm hân hoan, hạnh phúc. Đó là vị ngọt của tình cảm anh em đồng đội, sẵn sàng tặng nhau tấm áo khi đi tuyến dài ngày, giúp đỡ, nhường nhau miếng bánh mỳ, chai nước trong những lần thâu đêm khắc phục sự cố sau bão. Hay tình cảm như anh em trong một gia đình ở những trạm biến áp, túc trực cấp điện để hoàn thành tốt công việc được giao.
Đó còn là vị của hạnh phúc trong tiếng reo mừng của con trẻ, khi nhà nhà có điện, khi nhận được sự cảm ơn từ mọi người, dõi theo cuộc sống nhộn nhịp xung quanh khi có điện, những mệt mỏi tan biến nhường chỗ cho niềm hạnh phúc lan tỏa.
Thế nên, đắng, cay, mặn ngọt - tất cả những gia vị này đã tạo nên một sự hòa trộn thú vị trong con người ngành Điện. Cũng chẳng cần so sánh được mất, vượt lên trong họ chính là tình yêu, niềm tự hào được cống hiến với nghề, để đảm bảo dòng điện sáng, an toàn liên tục cho nhân dân.