18 hộ dân Khe Coóc và nỗi nhọc nhằn “cõng” điện lên non

“Địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, nên từ xi măng, cát, sỏi... đến nước để trộn bê tông, chúng tôi đều phải dùng sức người để cõng lên vị trí...”, anh Đặng Anh Dũng - Điện lực Bình Liêu chia sẻ về nỗi gian nan, nhọc nhằn khi thực hiện Dự án đưa điện lưới quốc gia về bản Khe Coóc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh - nơi chỉ có 18 hộ đồng bào người Dao sinh sống.

150 triệu đồng/hộ 

Là người trực tiếp giám sát thi công Dự án đưa điện lưới quốc gia về bản Khe Coóc, anh Đặng Anh Dũng chẳng xa lạ gì con đường từ trung tâm xã Tình Húc lên Khe Coóc. Nhưng với những người lần đầu tiên đi như chúng tôi thì luôn ở trong trạng thái “vã mồ hôi”, mệt và sợ. Mặc dù đường lên Khe Coóc chỉ khoảng hơn 6 km, nhưng hầu hết là đường đất hẹp, lổn nhổn những hòn đá to, ngoằn nghoèo với vô số những đoạn cua, dốc dựng đứng.

Nằm dựa vào núi Cao Xiêm, 18 hộ dân bản Khe Coóc sống rải rác, có nơi, hộ này cách hộ kia cả km, đường tới mỗi hộ cũng khá xa. Vì vậy, phải đến tháng 2/2016, đúng dịp Tết Bính Thân, Khe Coóc mới được sử dụng điện lưới quốc gia.

Chỉ về phía những cột điện cao vút (cái thì hiện lên giữa rừng cây bạt ngàn, cái lại ở giữa cánh đồng xanh mướt), anh Dũng chia sẻ, để mang được những chiếc cột điện lên đến đây là sự cố gắng không nhỏ của người làm điện, nhất là với địa hình đường đất như ở Khe Coóc - chỉ cần mưa 1 ngày, phải ngừng thi công 4 ngày. Chưa kể, thời gian thi công lại đúng đợt rét lịch sử, có nhiều ngày lạnh buốt, tuyết đóng băng trên lá cây. 

“Xe ben nhỏ chỉ vận chuyển vật tư đến 1 nơi nhất định, sau đó chúng tôi cùng dân bản dùng sức người kéo đến vị trí định dựng cột. Xi măng, cát, sỏi cho hết vào bao tải rồi hò nhau vác lên. Các vị trí dựng cột đều nằm xa nguồn nước, nên nước cũng được đựng vào can 20 lít, cõng lên trộn bê tông. Với độ cao mỗi cột từ 12 m đến 18 m, để hoàn thành 13 vị trí cột (11 cột đôi, 2 cột đơn) và 1 TBA 31,5 kVA, khó có thể kể hết sự gian nan, vất vả của những người thi công” - anh Dũng nhớ lại.

Cũng theo anh Dũng, gian nan là vậy, nhưng Dự án đưa điện lưới về bản Khe Coóc lại nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của bà con ở dưới vùng thấp (bản Bắc Liềm) có đường điện chạy qua sẵn sàng nhường đất, chặt cây để dựng cột mà không yêu cầu đền bù. Chính vì vây, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ. Khe Coóc trở thành bản cuối cùng của xã Tình Húc và cũng là bản cuối cùng của huyện Bình Liêu được sử dụng điện lưới quốc gia. 

Đánh giá kết quả Dự án, ông Phạm Xuân Huy - Giám đốc Điện lực Bình Liêu cho biết: “Công trình được khởi công bằng nguồn vốn chống quá tải do Công ty Điện lực Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Với tổng nguồn vốn là 2,7 tỷ đồng, tính ra, số tiền đầu tư cho mỗi hộ lên tới 150 triệu đồng - quá lớn so với suất đầu tư cho 1 hộ vùng thấp. Trong đó, ý nghĩa xã hội lớn lao mà dự án này mang lại, có lẽ chỉ người dân đã từng sống nhiều đời trong cảnh dầu đèn, củi đuốc mới thấu hiểu được”. 

Trạm biến áp cấp điện cho bản Khe Cóoc

Mùa đông không còn sợ lạnh

Thấy khách đến, ông Tằng Văn Quay với tay bật công tắc điện, ánh đèn compact tiết kiệm điện bừng sáng trong căn nhà xây theo kiểu truyền thống người Dao Thanh Phán. Ở tuổi 70, được sử dụng điện lưới quốc gia, với ông Quay, niềm vui thật khó tả.

Là người có thâm niên 10 năm làm trưởng bản Khe Coóc, ông Quay cho biết, trước đây chưa có điện lưới quốc gia, các hộ dân trong bản cũng đã sử dụng nguồn thủy điện nhỏ từ nước suối. “Điện yếu, mưa lũ thì không dùng được, có khi lũ còn cuốn trôi cả máy. Điện lưới quốc gia thì sáng lắm, dùng được nhiều thứ. Có điện, mùa đông người dân bản không còn phải sống trong ánh đèn dầu leo lét, nhất là những ngày mùa đông, sương mù dày đặc, chẳng nhìn thấy mặt nhau” – ông Quay kể. Giờ gia đình ông Quay đã có nồi cơm điện, 2 cái quạt, 4 cái bóng đèn compact… “Không phải sử dụng đèn dầu nữa, cháu Long nhà tôi còn mua được cả máy xát chạy điện, không phải chở đưa thóc xuống thị trấn nữa…” – ông Quay hồ hởi.

Từ ngày có điện lưới quốc gia, nhà anh Chíu Văn Lìn, mỗi tháng phải trả khoảng 50.000 đồng tiền điện, nhưng anh Lìn vẫn vui lắm: “Giờ có thể vừa bật điện ăn cơm, vừa xem ti vi. Trước dùng thủy điện nhỏ ngoài suối, bật điện ăn cơm thì không được xem tivi. Hôm nào muốn xem tivi phải tắt điện, mà ti vi vẫn lúc có lúc không...”.

Trạm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Điểm trường học bản Khe Coóc. Trường chỉ có 1 lớp với 4 học sinh. Phía sau mấy thầy trò, chiếc quạt cây vẫn đang quay đều. Thầy giáo Hàng Đức Tuấn, người dân tộc Tày – cũng là người thầy duy nhất tại Điểm trường gần 20 năm nay, chia sẻ: “Có điện, thầy trò không còn sợ những ngày đông sương mù, không nhìn thấy ánh sáng để dạy và học. Điện về, mùa hè vừa rồi thầy đã mua quạt, nước cũng đã được cắm bằng ấm điện để thầy trò cùng sử dụng. Mùa đông cũng không sợ lạnh nữa rồi”.

Ngay phía sau Điểm trường bản Khe Coóc, trường mầm non cũng rộn ràng tiếng hát, tiếng cười, nói, bi bô của trẻ nhỏ. Mùi gạo mới từ chiếc nồi cơm điện toả ra thơm ngát. Điện về, bữa ăn, giấc ngủ của các bé người Dao đã ngon lành, ấm áp hơn nhiều. 

Cùng với ánh sáng tri thức, có thể thấy, ánh sáng điện lưới quốc gia đã mở ra tương lai tươi sáng cho người dân bản. Điện về, mang theo niềm vui, niềm tin, mang đến cả những dự định tốt đẹp cho ngày mai... 

Bản Khe Coóc:
- Cách Trung tâm huyện Bình Liêu khoảng 10 km;
- 18 hộ dân là đồng bào Dao; 100% là hộ nghèo;
- Cuộc sống người dân phần lớn là tự cung, tự cấp.
Ông Phạm Xuân Huy - Giám đốc Điện lực Bình Liêu, Công ty Điện lực Quảng Ninh: Hiện huyện Bình Liêu còn 269 hộ dân chưa có điện, sống riêng lẻ ở vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp. Dự kiến, đến cuối năm 2018 sẽ bổ sung thêm khoảng 100 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Số hộ còn lại, Công ty Điện lực Quảng Ninh sẽ phải bố trí sử dụng điện mặt trời hoặc thủy điện nhỏ từ sông suối, bởi đây đều là những hộ ở những nơi không thể cấp điện lưới quốc gia do chi phí đầu tư quá lớn.


  • 21/12/2016 10:15
  • Nguồn:Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1331