Quy tắc thứ nhất: Khi bắt đầu một mối quan hệ mới
Rất nhiều người cảm thấy thật sự khó khăn khi phải giao tiếp với một hoặc một nhóm người xa lạ. Đặc biệt là trong môi trường tập thể.
Chẳng hạn như trong một buổi tiệc hay một văn phòng làm việc, người thiếu tự tin và không có kỹ năng giao tiếp sẽ có xu hướng khép mình lại và trở nên lạc lõng giữa đám đông. Vậy làm sao để mọi người không thấy bạn nhạt nhòa và vô vị? Chỉ cần bạn đủ dũng cảm nói câu chào hỏi đầu tiên thì đã thành công một nửa rồi.
Đầu tiên, bạn có thể quan sát một chút về những người xung quanh mình, hoặc những người mà bạn cảm thấy “có hứng thú”. Cố gắng tìm kiếm xem ở họ có điểm gì đặc biệt. Chẳng hạn như cách phối phụ kiện cá tính hay chiếc ví cầm tay vô cùng độc đáo...
Khi đã nắm bắt được “điểm nổi bật” từ đối phương mà bạn nghĩ rằng bạn có thể chia sẻ và giao lưu, hãy bước tới bắt chuyện và thảo luận về những chi tiết nhỏ này ở đối phương. Họ có thể lập tức bị thu hút bởi bạn vì có người tinh tế nhận ra điều cuốn hút ở họ và có lòng quan tâm đến họ.
Đề tài trò chuyện với người mới quen biết tốt nhất nên đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái và vui vẻ. Bởi vì tiếng cười là con đường hữu hiệu và nhanh chóng nhất kéo gần khoảng cách giữa con người với nhau.
Ngoài ra, để cho lần gặp gỡ sau được tốt đẹp và thuận lợi hơn thì bạn nên mạnh dạn gọi tên đối phương nhiều lần. Điều này một mặt giúp bạn dễ dàng ghi nhớ, mặt khác khiến buổi trò chuyện bớt cảm giác xa lạ.
Điều cần chú ý là trong cuộc nói chuyện, cố gắng đừng đưa ra những vấn đề chỉ khiến đối phương trả lời “yes” hoặc “no”. Kiểu câu hỏi đóng này sẽ dập tắt hứng thú gợi chuyện và khiến bầu không khí nặng nề. Tuy nhiên, bạn cũng không nên nói chuyện quá tùy tiện, thích gì nói đó vì khi mới gặp lần đầu, đôi bên chưa thấu hiểu nhau nên sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, hiểu lầm và tổn thương tình cảm vừa ở bước đầu hình thành.
Quy tắc thứ hai: Khi bạn đang tìm kiếm một công việc mới
Rất hiếm ai khi bước vào phòng phỏng vấn mà không căng thẳng, hồi hộp dù nhiều hay ít. Bất kể người phỏng vấn bạn trông thân thiện bao nhiêu thì mỗi câu nói của người đó vẫn khiến bạn áp lực và dễ lúng túng, mất phương hướng khi trả lời câu hỏi, trao đổi công việc.
Ấn tượng ban đầu đối với người phỏng vấn cực kỳ quan trọng. Trừ khi có yêu cầu giới hạn về thời gian phỏng vấn thì những trường hợp tương đối thoải mái khác, bạn có thể quan sát tinh tế hơn về đối phương trước khi cuộc phỏng vấn chính thức bắt đầu.
Chẳng hạn làn da rám nắng có thể đoán họ rất thích vận động ngoài trời, hay bộ trang phục lịch lãm cho thấy họ có gu thẩm mỹ tốt… Chú ý và ghi nhớ những chi tiết về người phỏng vấn sẽ giúp bạn trong quá trình trao đổi có thêm đề tài nói chuyện nhịp nhàng và tăng cảm giác thân thiện.
Khi đã có khởi đầu thuận lợi, nếu đối phương yêu cầu bạn nói về nhược điểm và thất bại trước đó, đừng quá thật thà mà đi thẳng vào vấn đề. Bạn nên khéo léo đưa trọng tâm câu hỏi chuyển sang những bài học mà mình đã rút ra từ những thất bại đó, cải thiện vấn đề tiêu cực sang hướng tích cực một cách thông minh và chân thành giúp để lại ấn tượng tốt cho người phỏng vấn.
Mọi lời nói hay cử chỉ của bạn nên khiến cho đối phương có được ấn tượng tốt rằng bạn là người thành khẩn, có năng lực và biết tự hoàn thiện chính mình. Khi đã chuẩn bị đủ kỹ năng và tâm lý ứng xử thì chuyện phỏng vấn sẽ trở nên nhẹ nhàng và tự nhiên hơn.
Quy tắc thứ ba: Khi bạn đang làm việc trong một tập thể
Công sở là nơi không ít cạnh tranh và thị phi. Nếu không đủ tinh ý và khéo léo sẽ khiến bạn dễ đắc tội người khác. Quá trình làm việc và thăng tiến cũng khó khăn, nhiều trở ngại hơn.
Vì vậy, để tự bảo vệ mình trong môi trường khốc liệt này, bạn nên hạn chế nói những đề tài nhạy cảm, riêng tư. Đừng cất công thăm dò và lục lọi đời tư của người khác. Vấn đề lương thưởng hay chế độ đãi ngộ riêng cũng không nên đem ra bàn tán.
Ngoài ra, dù bạn không hài lòng với cách làm việc của đối phương cũng không nên chỉ trích quá mạnh mẽ. Đồng thời tỏ ra bất mãn với sếp hay chế độ của công ty cũng là hành động thiếu khôn ngoan nơi công sở.
Bạn cũng nên là một người “hàm súc”, nghĩa là dù giàu có hay túng thiếu thì cũng đừng lộ rõ cho người khác thấy. Thái độ dễ kích động và ba hoa nơi làm việc chỉ khiến sếp và đồng nghiệp đánh giá bạn là người không biết kiểm soát cảm xúc và không đáng tin cậy.