Việc mắc sai lầm là một phần không thể tránh khỏi trong quá trình sống, học hỏi và làm việc của mỗi người. Và, dù rằng sai lầm là những bước đệm để đưa ta đến gần hơn với thành công, chúng cần được diễn ra trong giới hạn cho phép. Nếu vượt quá giới hạn đó, sai lầm có thể phá hoại sự nghiệp và tương lai của bạn. Dưới đây là 6 sai lầm lớn trong công việc mà bạn nên tránh xa hoặc sửa chữa ngay lập tức nếu muốn thành công.
1. Tin rằng mình phải biết mọi thứ và phải tự tay làm mọi thứ
Để thành công trên con đường sự nghiệp, kiến thức lẫn kỹ năng chuyên môn của bạn cần thiết phải được trau dồi thật tốt. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng mình cần phải biết mọi thứ và phải tự tay làm tất cả mọi thứ, thì vô hình chung bạn đang tự đặt mình vào thế thất bại. Ấy là chưa kể đến việc bạn sẽ trở thành một người quản lý không biết tin tưởng vào cấp dưới trong mắt các nhân viên.
Đừng tự giết chết thành công của mình bằng cách cố sức nắm bắt mọi thứ hay tự tay làm tất cả. Thay vào đó, hãy ghi khắc rằng những người thành công nhất là người biết tận dụng tốt thế mạnh của đồng đội cũng như biết cách tạo ra không gian cho các thành viên trong nhóm cùng làm việc và hoàn thành mục tiêu.
2. Cho rằng kỹ năng lãnh đạo sẽ tự nhiên mà có theo thời gian
Dù cho bạn có thể là một người sở hữu năng lực chuyên môn rất cao và được ưu ái đề bạt lên làm lãnh đạo, nhưng nếu như bạn chưa từng trải qua bất kỳ một quá trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo nào hết, thì đừng nghĩ rằng những thứ đã giúp bạn thăng tiến sẽ tiếp tục giúp bạn trụ vững tại vị trí hiện tại. Nếu đã được đặt tại vị trí của người lãnh đạo, bạn càng cần thiết phải mài giũa kỹ năng của mình hơn nữa.
Căn bệnh của hầu hết những người giỏi khi được đề bạt lên vị trí cao hơn là nghĩ rằng bản thân không cần thiết phải được đào tạo kỹ năng lãnh đạo thêm nữa. Đây là nhận định vô cùng sai lầm. Trên thực tế, kỹ năng lãnh đạo là kỹ năng đòi hỏi sự rèn luyện và phát triển liên tục. Cụ thể hơn, bạn có thể dành thời gian mỗi ngày để tự rèn giũa kỹ năng của mình, tham gia các khóa học hoặc tuyển thêm một người cố vấn để giúp phân tích điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân nhằm góp phần dựng xây sự tự tin của chính bạn.
3. Mắc bệnh cả thèm chóng chán
Là một doanh nhân trẻ sống trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, rất có thể tinh thần khởi nghiệp của bạn là luôn khát khao các nền tảng công nghệ mới và không ngần ngại bắt tay vào những dự án chưa từng được thực hiện để có thể tạo ra giá trị hoàn toàn mới. Đây là một tinh thần đáng mừng và đáng được trân trọng. Tuy nhiên, đối với một số cá nhân, tinh thần như thế này cũng đi kèm với một mặt trái. Nếu như bạn đang liên tục theo đuổi những dự án mới nhưng lại nhanh chóng mất đi hứng thú và lặp đi lặp lại quá trình này, thì nguy sự nghiệp của bạn đi chệch hướng là khá cao.
Khi đạt đến một mức độ nhất định, thành công lúc này không còn gói gọn trong việc tìm ra những cơ hội mới mà nằm ở chỗ biết nắm bắt đúng cơ hội phù hợp. Bạn càng dành nhiều thời gian tìm kiếm những thứ mới mẻ thì bạn càng có ít thời gian trau dồi cho bản thân mình hơn.
4. Bỏ bê cuộc sống để theo đuổi thành công
Dù thừa nhận hay không thừa nhận, thì cuộc sống ngoài công việc của bạn cũng ảnh hưởng rất lớn đến con đường sự nghiệp. Nếu cho rằng làm việc với thời gian lâu hơn sẽ giúp bạn thành công hơn thì bạn đang mắc phải một sai lầm lớn. Làm việc trong nhiều tiếng hơn không đồng nghĩa với việc bạn thành công hơn người khác. Thời lượng bạn bỏ vào công việc thực sự không quan trọng bằng chất lượng lao động trong khoảng thời gian ấy.
Rất nhiều người có thể làm việc cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không hiệu quả bằng những người "tan ca" sớm để dành thời gian cho gia đình, chăm sóc sức khỏe và duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Không thiếu những nghiên cứu khoa học đã chứng minh cho việc chúng ta chỉ hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất khi đi kèm với sự nghỉ ngơi, tập thể dục, thiền định hay bất cứ hoạt động nào giúp cơ thể và tinh thần được thư giãn. Đừng vùi đầu thâu đêm suốt sáng vào công việc để rồi khiến bản thân trở nên tàn tạ. Cũng đừng bỏ bê gia đình, bạn bè hay chính sức khỏe của mình chỉ vì lí do công việc. Rốt cuộc, bạn sẽ chẳng còn lại gì đâu.
5. Chỉ theo đuổi chức danh thay vì làm tốt vai trò của mình
Những người chỉ theo đuổi chức danh thay vì nỗ lực làm việc để đạt kết quả tốt nhất thường là những người chỉ dừng lại ở mức trung bình. Nếu bạn chỉ quan tâm đến chức danh hay địa vị - vốn là những thứ bên ngoài - hơn là những giá trị cốt lõi bên trong có thể giúp bạn đạt được vị trí đó, thì bạn có thể tự tay phá hủy thành công của chính mình.
Sự thay đổi về chất - ở đây là chức danh - chỉ thay đổi khi quá trình thay đổi về lượng - khả năng của bản thân - đã được tích lũy đầy đủ. Thế nên, hãy tập trung vào việc làm thế nào để phát triển bản thân của chính bạn trước, hơn là ngó nghiêng thứ mà hiện nay bản thân chưa sẵn sàng. Khi bạn đã tích lũy đủ mọi thứ cần thiết, thì đến kỳ thuận hiệp, tự khắc bạn sẽ được nhấc lên.
6. Qua cầu rút ván
Đây có thể là sai lầm lớn nhất của tất cả chúng ta. Khi nghỉ việc, có thể bạn sẽ hấp tấp mà oang oang với mọi người về những sai lầm hay hạn chế mà bạn tận mắt chứng kiến ở công ty cũ. Điều đó có thể làm bạn thỏa mãn trong giây lát, song có thể khiến bạn trả giá bằng uy tín của chính mình
Bạn có thể sẽ gặp lại sếp hay đồng nghiệp cũ trong tương lai mà chính bạn cũng không ngờ tới. Vì thế hãy cư xử lịch thiệp khi nghỉ việc. Hãy để mọi người nhớ về mình với sự tôn trọng và quý mến chứ không phải là những ấn tượng xấu xí.