7 nhân tố làm nên thành công của các triệu phú

Hiểu rõ chính mình, không sợ thất bại, luôn đặt câu hỏi và đừng bao giờ bỏ cuộc. Đó là một vài bí quyết thành công của các triệu phú thế giới.

Trong cuốn sách mới của mình là "Getting There: A Book of Mentors" (Tạm dịch: Chuyện của những bậc thầy), nhà báo tự do Gillian Zoe Segal đã dành 5 năm để phỏng vấn những nhân vật thành công nhất hiện nay như Warren Buffett, Michael Bloomberg, Anderson Cooper, Sara Blakely, Jeff Koons, Kathy Ireland, Les Moonves… Sau khi phỏng vấn các nhân vật đặc biệt này, Gillian đã nhận ra họ đều có 7 điểm chung như sau:

1. Thấu hiểu “vòng tròn năng lực” của bản thân mình

Trong bài luận của ông dành cho cuốn “Getting There”, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã chỉ ra rằng điều tất yếu trước tiên là phải hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Theo Buffett, vào những lúc cần quyết định rằng đâu là điều đáng để theo đuổi, việc biết rằng nên bỏ qua chuyện gì cũng có tầm quan trọng ngang với việc biết là cần phải tập trung vào điều nào.

Ông dẫn lại câu nói của Tom Watson (người sáng lập của IBM) rằng: "Tôi không phải thiên tài nhưng tôi có đủ sự khôn ngoan ở một số điểm nhất định, và tôi luôn giữ chắc các điểm đó".

Buffett cũng giải thích rằng: "Bộ não của tôi không phải là một bộ não đa năng có thể điều khiển công việc hoàn hảo trong mọi tình huống. Có rất nhiều thứ mà tôi không giỏi chút nào và cả những cơ hội đầu tư mà tôi không thể hiểu nổi. Tôi chỉ hiểu một số kiểu kinh doanh đơn giản và tôi không thể hiểu được những cái quá phức tạp. Coca-Cola là một ví dụ về một mô hình kinh doanh không quá phức tạp. Đó là một sản phẩm bền bỉ và có khả năng thu hút rộng rãi. Tôi cố gắng tìm các doanh nghiệp mà tôi có thể hiểu được, những doanh nghiệp mà tôi cảm thấy thích đội ngũ lãnh đạo của họ và tin rằng họ đang có giá cả hợp lý".

John Paul DeJoria, nhà tỷ phú và đồng sáng lập của Patrón Spirits (chuyên sản xuất rượu cao cấp) và John Paul Mitchell Systems (sản phẩm chăm sóc tóc), thì đưa ra lời khuyên: "Hãy làm những gì bạn làm tốt nhất và cố gắng tìm những người có thể lấp đầy những điểm bạn không giỏi. Ví dụ như tôi đặc biệt tệ ở theo dõi các chi tiết, nhất là về mảng kế toán, thế là tôi thuê những kế toán viên giỏi để giúp tôi. Điều này giúp tôi giải phóng tư tưởng để tập trung vào những điều tôi nổi trội hơn và nhờ vậy  tôi có thể vận hành công việc kinh doanh hiệu quả hơn".

Không ai trong cuốn "Getting There" giỏi ở tất cả mọi thứ, nhưng tất cả lại trở nên vô cùng thành công bằng cách tỏa sáng dựa trên những điểm mạnh họ có được.

2. Khai thác sức mạnh của niềm đam mê

Con đường dẫn đến thành công luôn rải đầy những gian khó, nhưng nếu bạn thực sự yêu những gì bạn làm, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn từ việc vượt qua những thách thức không thể tránh khỏi, cũng như có đủ sự bền bỉ để phát huy hết tiềm năng của mình. Những nhân vật trong cuốn “Getting There” khẳng định rằng nếu bạn theo đuổi một điều gì đó chỉ vì lợi nhuận, hay vì nghĩ rằng "mình cũng nên làm thế" - thì có lẽ nó sẽ không đi đến thành công.

Nhà khoa học nổi tiếng thế giới J. Craig Venter (người đầu tiên thiết lập trình tự gene của con người) cho biết: "Rất nhiều người trong xã hội bị gò bó vào trong các hệ thống là vì họ không biết họ thực sự muốn làm gì, và để sự nghiệp của họ bị quyết định bởi người khác. Nếu bạn không đam mê những gì bạn đang làm, sẽ rất khó để gặt hái thành công. Bạn có thể cần mẫn có mặt tại văn phòng và làm đủ những gì được yêu cầu, thậm chí có thể trở thành một chuyên gia giỏi, nhưng đó cũng vẫn không phải là nền tảng dẫn đến thành công. Bởi lẽ thành công đến từ những nỗ lực phi thường đi kèm với niềm đam mê và sự quyết tâm tột độ".

Nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới Hans Zimmer nói đùa: "Bất cứ khi nào tôi cần tư vấn pháp lý hay y tế, tôi liền thông báo những vấn đề đó với dàn nhạc của tôi. Một nửa trong số họ là bác sĩ, số còn lại là luật sư, vì trước đây họ bị gia đình ép theo những nghề đó”.

3. Con đường sự nghiệp đầy linh hoạt

Các nhân vật của "Getting There" là minh chứng cho việc bạn không cần phải vạch ra trước một kế hoạch sự nghiệp hoàn hảo, mà điều quan trọng nhất là bạn phải luôn biết cách nhận ra những cơ hội mới và sẵn sàng chấp nhận thay đổi:

- Nhà sáng lập Craig Newmark của trang rao vặt nổi tiếng Craigslist tình cờ nghĩ ra ý tưởng kinh doanh của mình khi đang theo đuổi một mục tiêu vì xã hội.

- Tỷ phú kiêm cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg quyết định lập công ty riêng của mình là Bloomberg LP, sau khi bị sa thải tại Salomon Brothers.

- Chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng Jillian Michaels đã đổi nghề sau khi bị đuổi việc khỏi một công ty môi giới nghệ thuật.

- Les Moonves, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của kênh truyền hình CBS, ban đầu theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, nhưng cuối cùng nhận ra ông cảm thấy hạnh phúc hơn khi được đứng ở phía sau máy quay.

Moonves tâm sự rằng: "Tôi đã chuyển từ diễn xuất sang hoạt động sản xuất sân khấu kịch và nhận ra nó thật tuyệt vời. Chẳng bao lâu sau, tôi lại chuyển một lần nữa sang ngành truyền hình, và nhận được công việc Giám đốc phát triển chương trình tại Columbia Pictures... Có những thứ đôi khi xuất hiện rất đột ngột và lao thẳng vào mặt bạn. Nếu con đường của bạn quá cứng nhắc, bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá".

"Thách thức truyền thống bao giờ cũng đáng sợ, nhưng hầu hết những thay đổi lớn trong lịch sử đều xảy ra vì có người hỏi: Tại sao không làm khác đi?" (Ảnh minh họa)

4. Biết tự tạo ra những cơ hội của riêng mình

Không nhân vật nào thành công bằng cách chờ đợi ai đó nhận ra tiềm năng của họ tìm đến và mang đến cơ hội. Thế giới sẽ thật tuyệt vời nếu mọi thứ diễn ra theo cách đó, nhưng hiếm khi nào được vậy. Nếu bạn đã muốn điều gì đó thì bạn phải tìm ra cách để khiến nó xảy ra.

Lúc trẻ, MC truyền hình nổi tiếng Anderson Cooper muốn trở thành một phóng viên về tin tức quốc tế nhưng ông không thể thâm nhập được vào bất kì mạng lưới lớn nào. Ông đã tạm chấp nhận công việc kiểm tra nội dung tin tức cho Channel One, một kênh sản xuất các chương trình bản tin cho trường trung học.

Cooper nhanh chóng nhận ra nguy cơ bị bó khuôn vào công việc, nên ông đã tìm cách để thay đổi nhận thức của người khác về mình. Ông đã từ bỏ công việc đó, mượn máy quay từ một người bạn và tự đi ra nước ngoài để sản xuất những phóng sự của chính mình.

Với chi phí dè sẻn là năm đôla một ngày, Cooper vẫn thừa sức sản xuất những phóng sự đầy thú vị, sau đó cung cấp chúng cho kênh Channel One với một mức giá thấp tới mức mà họ không thể từ chối được. Bước đi táo bạo này là sự khởi đầu sự nghiệp của Cooper và cho phép ông biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Cooper giải thích: "Nếu mà tôi hỏi các nhà sản xuất tại Channel One rằng họ có ủng hộ tôi đi ra ngoài để làm cho các phóng sự chiến trường, thì chắc chắn là họ sẵn sàng nói không. Nói không bao giờ cũng dễ hơn là nói có, và có lẽ họ không muốn có bất cứ trách nhiệm nào với tôi trong trường hợp ấy. Vì vậy, tôi cứ tự thân làm chuyện mình muốn. Tôi hiếm khi xin lời khuyên hoặc sự cho phép, một khi tôi đang định làm một cái gì đó mà tôi cảm thấy có động lực mạnh mẽ".

5. Luôn thắc mắc và đặt câu hỏi về mọi thứ

Các nhân vật của "Getting There" không mù quáng nghe theo người khác. Họ có cách nghĩ riêng của họ, cũng như hiểu rằng truyền thống và thói quen không phải bao giờ cũng là những cách làm tốt nhất.

Vào giữa những năm 1970, Gary Hirshberg nhận thấy những thay đổi đáng lo ngại trong ngành công nghiệp thực phẩm: Các gia súc đã bị tiêm các kích thích tố và thuốc kháng sinh, cây trồng bị phun thuốc trừ sâu độc hại và dùng phân bón hóa học bừa bãi, và chẳng ai quan tâm xem sức khỏe của các thế hệ tương lai sẽ như thế nào.

Thế là Hirshberg bắt đầu phát triển thực phẩm hữu cơ trước khi hầu hết mọi người biết khái niệm đó có nghĩa là gì, bằng cách tham gia sáng lập công ty sữa chua hữu cơ Stonyfield Farms. Ông nhớ lại: "Khi tôi cố gắng thuyết phục các nhà bán lẻ chấp nhận đưa sản phẩm Stonyfield vào cửa hàng của họ với mức giá cao hơn các sản phẩm thông thường, họ đã hỏi tôi: "Liệu hữu cơ có phải là nó còn dính đất ở trong đó?". Quả là một hành trình gian nan để thuyết phục họ chấp nhận bày bán sản phẩm của chúng tôi".

Và Stonyfield phải mất tận 9 năm để có những đồng lợi nhuận đầu tiên, nhưng giờ đây nó đã là công ty sữa chua hữu cơ lớn nhất thế giới, và gần như công ty thực phẩm lớn nào cũng phải có một dòng sản phẩm hữu cơ nếu muốn cạnh tranh.

Hirshberg nói: "Thách thức truyền thống bao giờ cũng đáng sợ, nhưng hầu hết những thay đổi lớn trong lịch sử đều xảy ra vì có người hỏi: "Tại sao không làm khác đi?". Nếu bạn không dám hỏi câu đó, bạn sẽ không bao giờ thành công".

6. Không để cho nỗi sợ thất bại ngăn cản

Theo đuổi những ý tưởng là điều kiện cần thiết cho sự thành công, và nếu bạn không dám chấp nhận những rủi ro thì bạn sẽ không bao giờ đạt được bất cứ thứ gì. Những nhân vật của "Getting There" đều xem thất bại là bà mẹ thành công. Siêu mẫu kiêm doanh nhân Kathy Ireland phát biểu ngắn gọn: "Nếu bạn không bao giờ thất bại, điều đó có nghĩa là bạn chưa cố gắng hết mình".

Ireland đã thất bại trong nhiều năm liền với hàng loạt dự án khởi nghiệp, trước khi đạt được thành công với thương hiệu thời trang và nội thất Kathy Ireland Worldwide. Giờ đây thương hiệu này đã là một doanh nghiệp 2 tỷ đô la, và có mặt trên hơn 15.000 sản phẩm.

Chuyên gia sức khỏe Jillian Michaels cho biết: "Không ai thích cảm thấy bị tổn thương, nhưng thực tế là trong cuộc sống bạn chỉ có thể biết được giá trị thực của hạnh phúc và thành công nếu bạn đã từng bị tổn thương. Nếu bạn không dám xin hẹn hò với một cô gái hay một anh chàng nào đó, bạn sẽ không bị từ chối, nhưng bạn cũng chẳng có cơ hội chinh phục người ta. Nếu bạn không dám nộp đơn cho công việc mình muốn có, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ có công việc đó. Nếu bạn không cố gắng khởi nghiệp, bạn cũng sẽ không bao giờ trở thành một doanh nhân thành đạt như bạn hằng ao ước."

7. Không bao giờ bỏ cuộc

Mỗi một nhân vật thành công trong cuốn “Getting there” đều đã từng thất bại, thậm chí là nhiều lần. Tuy nhiên, họ vẫn vươn đến thành công vì có thể đứng dậy từ thất bại và làm lại, hoặc là học hỏi từ sai lầm của chính bản thân và cố gắng thử một điều gì đó mới hơn. Yếu tố cốt lõi ở đây chính là họ buộc bản thân phải tiếp tục tiến về phía trước.

- Nhà văn Jeff Kinney đã dành 8 năm để viết nên cuốn sách đầu tay của mình "Diary of a Wimpy Kid" (Tạm dịch: Nhật ký của cậu bé nhút nhát) để rồi nó bị từ chối hàng loạt bởi nhiều nhà xuất bản, trước khi được chấp nhận bởi hãng Abrams. Cho tới nay, có hơn 115 triệu cuốn sách Wimpy Kid đã được xuất bản, chưa kể đến việc được chuyển thể thành phim.

- Tỷ phú John Paul DeJoria từng bị sa thải khỏi ba công ty, và sống trong xe hơi của mình với mức chi tiêu bình quân 2,5 USD một ngày. Tuy vậy, ông vẫn không chấp nhận buông xuôi, và rồi thành lập nên John Paul Mitchell Systems và Patrón Spirits.

- Sau khi mở công ty kiến trúc của riêng mình, Frank Gehry đã đứng bên bờ vực phá sản nhiều lần trước khi trở thành một huyền thoại sống như ngày hôm nay

- Matthew Weiner đã chào bán ý tưởng làm series phim truyền hình "Mad Men" của mình khắp Hollywood trong nhiều năm liền, nhưng chẳng ai thèm để ý. Đến tận 7 năm sau khi nó được viết ra, "Mad Men" mới được lên sóng và lập tức trở thành hiện tượng của năm.

Hãy tưởng tượng cuộc sống này là trò chơi Whack-A-Mole (đập chuột chũi): luôn có những cái búa to nhỏ giáng lên đầu chúng ta hết lần này đến lần khác. Những người thành đạt chính là những người mà sau khi bị đánh "bầm dập" vẫn có thể nhoẻn cười và đứng dậy để bắt đầu trở lại.


  • 22/01/2016 09:54
  • Nguồn bài: Nhịp cầu đầu tư
  • 1173


Gửi nhận xét