Ba câu chuyện về tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của EVNHCMC

Đối với một đơn vị có quy mô và bề dày phát triển gần 40 năm như Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), có nhiều giá trị truyền thống được vun đắp qua nhiều thế hệ, nhưng nếu chỉ được chọn một giá trị tiêu biểu nhất, thì chắc chắn phải là tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Xin được chứng minh điều này bằng 3 câu chuyện dưới đây.

Câu chuyện thứ nhất – cái khó ló cái khôn

Sau giai đoạn tiếp quản và khôi phục năng lực hệ thống điện (từ 30/4/1975 đến năm 1985), Sở Điện lực TP.HCM đứng trước một nhiệm vụ quan trọng. Đó là phải mở rộng quy mô và công suất hệ thống điện TP.HCM để chuẩn bị đón dòng điện từ Nhà máy Thủy điện Trị An (khởi công năm 1984, hoàn thành năm 1992). Phương hướng nhiệm vụ được đặt ra là phát triển lưới điện về các huyện nông thôn, nhằm giúp bà con ngoại thành phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là vấn đề tài chính.

Sở Điện lực TP.HCM đã đề xuất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố về việc huy động nguồn vốn phụ thu tiền điện để phát triển lưới điện. Tuy nhiên, việc huy động nguồn kinh phí từ dân không hề đơn giản, không những cần sự chấp thuận của các cấp chính quyền mà còn cần sự đồng thuận của người dân và xã hội.

Để tăng tính thuyết phục cho đề xuất, Sở Điện lực TP.HCM đã triển khai thí điểm công trình điện khí hóa nông thôn đầu tiên tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Ngày khánh thành công trình, không chỉ lãnh đạo thành phố mà nhiều đồng chí lão thành cách mạng cũng đến dự. Chứng kiến niềm vui của bà con nông dân, cảm nhận được sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng quê cách mạng sau khi có điện, lãnh đạo thành phố đã thông qua chủ trương phụ thu tiền điện để điện khí hóa nông thôn.

Như vậy, bằng tinh thần trách nhiệm, sự chủ động đầy sáng tạo, Sở Điện lực TP.HCM đã giải quyết được vấn đề khó khăn nhất, từ đó đã đẩy nhanh các công trình điện ở hầu hết các xã ngoại thành. Đến năm 1998, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đầu tiên hoàn thành điện khí hóa nông thôn.

Ông Lê Văn Phước - Phó giám đốc Công ty Điện lực TPHCM đang giới thiệu
với ông Hoàng Hữu Nghĩa - nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM máy biến áp hợp bộ  tại trạm GIS 220 kV Tao Đàn (ảnh chụp năm 2004)

Câu chuyện thứ hai – Về công trình có nhiều “lần đầu tiên”

Tháng 12/2004, TP.HCM khánh thành công trình “Trạm biến áp 220 kV Tao Đàn” và “Đường dây cáp ngầm 220 kV Nhà Bè – Tao Đàn”. Đến nay, sau hơn 10 năm vận hành, công trình đã đảm bảo ổn định cung cấp điện cho khu vực trung tâm thành phố và nhiều quận nội thành thông qua hàng loạt các trạm 110 kV như trạm biến áp GIS 110 kV Đa Kao, Thị Nghè, Hòa Hưng. Trong giai đoạn sắp tới sẽ cấp nguồn cho trạm biến áp GIS 110 kV công viên 23/9 phục vụ vận hành cho các tuyến Metro.

Nói về công trình này, cần nhìn lại những năm 2000. Thời kỳ này, kinh tế TP.HCM đang có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Vì thế, nhu cầu phụ tải tăng mạnh, đặc biệt khu vực trung tâm thành phố, đòi hỏi ngành Điện phải có những phương án để bổ sung nguồn điện với công suất lớn. Nhưng đưa nguồn vào trung tâm thành phố là vấn đề cực kỳ khó khăn đối với khu vực đô thị đã ổn định: Từ mặt bằng trạm, hành lang lưới điện đến vấn đề an toàn khi đưa công trình vào vận hành đều còn nhiều vướng mắc cần giải quyết.Để giải quyết những vấn đề hóc búa ấy, Công ty Điện lực TP.HCM đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất xây dựng trạm trong nhà và cáp ngầm 220 kV. Đề xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công trình “Trạm biến áp 220 kV Tao Đàn” và “Đường dây cáp ngầm 220 kV Nhà Bè – Tao Đàn” được hoàn thành với nhiều cái “lần đầu tiên”.

Cụ thể, đây là trạm 220 kV đầu tiên trong cả nước áp dụng công nghệ trạm trong nhà, máy biến áp hợp bộ, cách điện bằng khí SF6 (GIS) - công nghệ hiện đại nhất trên thế giới thời điểm đó. “Đường dây cáp ngầm 220 kV Nhà Bè – Tao Đàn” là công trình cáp ngầm 220 kV đầu tiên của ngành Điện. Bằng việc ứng dụng công nghệ thiế bị hiện đại, lần đầu tiên ngành điện đã thành công trong việc đưa nguồn điện công suất lớn trực tiếp vào trung tâm thành phố. Công trình cũng ghi nhận những kỷ lục khác như rút ngắn 7/24 tháng thời gian thi công; tổng giá trị thực hiện giảm 160 tỷ đồng so với dự toán ban đầu là 650 tỷ đồng.

Một điểm rất đặc biệt nữa là đơn vị quản lý dự án - Công ty Điện lực TP.HCM khi đó chưa được phân cấp quản lý vận hành cấp điện áp 220 kV. Có thể nói, chính tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn tiếp thu ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại của Công ty Điện lực TP.HCM đã thuyết phục được Tổng công ty Điện lực Việt Nam giao cho trọng trách này và đã thực hiện thành công công trình.

Đường Trần Hưng Đạo phong quang, gọn gàng sau khi ngầm hóa lưới điện

Câu chuyện thứ ba – Biến ước mơ thành hiện thực

Ngay từ năm 2007, Công ty Điện lực TP.HCM đã đặt vấn đề ngầm hóa lưới điện thành phố. Lãnh đạo công ty từng phát biểu: Ngầm hóa vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của ngành Điện đối với thành phố. Không thể có một thành phố phát triển văn minh, hiện đại với hàng đống "mạng nhện" trên đầu.

Thế nhưng đến tận những năm 2010 - 2012, nói đến ngầm hóa lưới điện TP.HCM nhiều người vẫn không tin tưởng. Ví dụ vào năm 2012, một bác chừng gần 70 tuổi, khi tham quan gian trưng bày của Tổng công ty Điện lực TPHCM tại Hội chợ triển lãm ENERTEC EXPO, đã nói: Ngầm hóa lưới điện TPHCM chỉ là một giấc mơ, vì phức tạp và tốn kém lắm. Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng nhiều lần yêu cầu Tổng công ty cân nhắc.

Tuy nhiên, bằng quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần dám nghĩ dám làm và cách làm khoa học, Tổng công ty đã dần thuyết phục được cả những người thiếu tin tưởng nhất. Từ công trình ngầm hóa lưới hạ thế quanh khu vực Chợ Bến Thành (2010), công trình thí điểm ngầm hóa trên đường Trần Hưng Đạo (2012), đến nay Tổng công ty đã thực hiện ngầm hóa tại các tuyến đường chính của tất cả các quận huyện, và đang quyết tâm hoàn thành việc ngầm hóa trước năm 2020.

Trải qua hơn 39 năm từ ngày thành lập (ngày 7/8/1976), Sở Điện lực – Công ty Điện lực – Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã đạt được rất nhiều thành tựu. Và cũng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những thành công ấy. Nhưng chắc chắn một điều, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm luôn là nguyên nhân đầu tiên, và là một truyền thống đầy tự hào của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành điện thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.


  • 21/08/2015 10:59
  • Phạm Việt Anh (Phó Ban QHCĐ - EVNHCMC)
  • 8181


Gửi nhận xét