Bên cạnh những nhà lãnh đạo thành công đều sẽ có hai kiểu nhân tài này: Một là người chuyên nghiệp, hai là người đa tư duy.
1. Người chuyên nghiệp
Một nhà lãnh đạo nếu không chấp nhận dùng người giỏi hơn mình thì hiệu quả của cả tổ chức sẽ đi xuống, mà nguyên nhân sâu xa chính là ở bản thân người lãnh đạo.
Con người luôn tồn tại sự hẹp hòi, ích kỷ, rất nhiều người trong tiềm thức luôn tìm cách từ chối những người mạnh hơn mình. Họ lo lắng rằng cấp dưới có khả năng xuất chúng sẽ khiến cho hình ảnh của họ mờ nhạt đi, thậm chí đối phương sẽ cướp đi miếng cơm của họ, ảnh hưởng đến tương lai tiền đồ phát triển của họ. Điều này khiến họ nghĩ đến việc tìm một người giống hoặc không giỏi bằng họ.
Biển rộng có thể chứa được nhiều sông, giống như con người nếu rộng lượng có thể bao dung mọi thứ. Nhà lãnh đạo tài giỏi thường có tư duy bao dung, hiểu rõ và đánh giá cao những người tài giỏi hơn mình, đồng thời luôn biết cách chiêu mộ những nhân tài đi theo mình.
Lưu Bang - Hán Cao tổ, xuất thân từ giai cấp nông dân nổi lên trong thời loạn lạc, thành công của ông chính là do ông có thể huy động những người tài giỏi xung quanh mình. Về mặt quân đội đã có Hàn Tín cầm binh, về mưu lược có Trương Lương chỉ định chiến lược tác chiến, về mặt tài chính đã có Tiêu Hà tính toán, quản lý.
Nhìn lại những nhân tài bên cạnh Hán Cao Tổ, chúng ta đều thấy rằng họ đều giỏi hơn Lưu Bang ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng Lưu Bang lại có thể lãnh đạo họ, mấu chốt nằm ở khả năng lãnh đạo hơn người của Lưu Bang.
Trong giới kinh doanh hiện nay cũng vậy, giống như Mã Vân, Nhiệm Chính Phi, Liễu Truyền Chí đều không phải là tài năng về nghệ thuật nhưng họ đều đạt được thành công lớn trong các lĩnh vực riêng, và họ đã tập hợp được nhóm những người liên quan đến các lĩnh vực đó.
Trên đời này không dễ dàng để tập hợp tất cả các nhân tài, việc dùng những người chuyên nghiệp để làm những việc đúng chuyên môn chính là khóa học bắt buộc đối với các nhà lãnh đạo.
Tiến sĩ John Maxwell, nhà lãnh đạo đại tài, cũng từng nói một câu tương tự: Chức trách của một nhà lãnh đạo không phải là cái gì cũng biết, mà là khả năng thu hút những nhân tài biết những gì bạn không biết đi theo mình.
Chuyên gia quan hệ công chúng của Apple, Gies McKenna, đã giúp Jobs thoát khỏi sự cố "cánh cửa ăng ten", chuyên gia điều hành Tim Cook đến Apple trong 9 tháng đã rút ngắn thời gian tồn kho từ 2 tháng thành 6 ngày. Cuối cùng, trong hai ngày đáng kinh ngạc, thiên tài thiết kế Jonathan Ivey đã thiết kế ra một phong cách độc đáo cho Apple.
Apple có thể phát triển thành công ty công nghệ thông tin lớn nhất thế giới chỉ trong vài thập kỷ đó là nhờ Jobs đã tìm ra nhiều tài năng hơn mình trong các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau
Bên cạnh mỗi nhà lãnh đạo đều cần có nhân tài chuyên nghiệp làm trợ thủ đắc lực, thì mới có thể tạo nên sự phồn thịnh phát triển cho nhóm và công ty, giúp bạn đạt được lý tưởng, thực hiện được mục tiêu của mình.
2. Người đa tư duy
Bậc thầy lãnh đạo nổi tiếng Warren Bennis từng nói: "Cách nhanh nhất khiến một nhà lãnh đạo nhanh chóng gục ngã là để mình bị bao vây bởi một nhóm người chỉ biết lặp lại và trả lời".
Nhiều nhà lãnh đạo không thể vượt qua chính mình, thường thích cảm giác được tán thưởng mà cấp dưới cũng được vui lây. Một số nhà lãnh đạo có thể thuê những người thông minh hơn và có khả năng hơn mình, thì rất khó chấp nhận những người có ý tưởng khác với mình và thậm chí là những ý kiến trái chiều.
Những nhà lãnh đạo giỏi thường hiểu được giá trị của những tài năng như vậy. Mỗi người đều có cách suy nghĩ riêng của mình, nếu bên cạnh người lãnh đạo có một nhân tài có ý kiến khác mình thì sẽ khiến người lãnh đạo nhìn ra được khía cạnh khác của vấn đề.
Những nhân tài này dám thách thức các ý tưởng của nhà lãnh đạo, chỉ ra những "điểm mù" trong suy nghĩ của nhà lãnh đạo và giúp họ đưa ra quyết định tốt hơn.
Doanh nhân nổi tiếng người Mỹ Lee Ekko rất tự tin, nhưng ông sẽ luôn giữ một chút bất đồng để nhắc nhở bản thân. Ông nói trong cuốn sách của mình: "Bài học quan trọng nhất tôi học được trong kinh doanh là nếu nhóm của bạn chỉ có một ý kiến - và thường là ý kiến của bạn, thì bạn nên cảnh giác. Bởi vì, bạn không cần phải chi một xu để biết ý kiến của mình, vậy tại sao bạn lại phải chi quá nhiều tiền lương để thuê một nhóm cấp dưới chỉ để đồng ý với ý kiến của bạn?".
Nhưng phải lưu ý rằng một người như vậy không thể thiếu, nhưng không nên quá nhiều. Nếu quan điểm về giá trị của những người này lúc nào cũng khác với quan điểm của bạn và cả nhóm, thì điều này sẽ mang lại nhiều rắc rối hơn, ngược lại nếu cùng quan điểm về giá trị thì sẽ có lợi hơn cho sự phát triển của cả nhóm và công ty.
Nếu bạn muốn xem liệu một người sẽ thành công hay không, điều đầu tiên hãy nhìn vào những tài năng bên cạnh anh ta. Những nhà lãnh đạo giỏi thường có khả năng biết cách sử dụng con người và phát huy tối đa sức mạnh của nhân tài.