Bài học quản lý từ tỷ phú Lý Gia Thành

Lý Gia Thành là người lập nghiệp thành công từ trong gian khó là một doanh nhân thấm nhuần quan niệm quản lý hiện đại. Cách nghĩ và cách làm của ông được lan truyền rộng rãi trong giới doanh nghiệp.

Tỷ phú Lý Gia Thành - một trong những doanh nhân nổi tiếng và nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất ở châu Á. Nguồn ảnh: Internet

Theo Lý Gia Thành, muốn trở thành người quản lý giỏi, nhiệm vụ đầu tiên là quản lý bản thân, trong thế giới thiên biến vạn hóa, cần biết mình là ai, biết mình muốn điều gì và xây dựng sự tôn nghiêm cho mình.

Năm 12 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải bỏ học và làm việc cho một nhà máy sản xuất dây đồng hồ. Năm 14 tuổi, ông làm việc toàn thời gian ở một công ty buôn bán đồ nhựa. Khi đó, Lý Gia Thành đã có phương pháp quản lý bản thân rất đơn giản: Đó là ông yêu cầu bản thân phải kiếm được số tiền nuôi cả gia đình. Ông biết rằng nếu không có kiến thức sẽ không thay đổi được vận mệnh, không có tiền sẽ không thể thực hiện ước mơ. Vì vậy, một mặt ông kiên trì vai trò của mình, ở vai trò nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc công việc; mặt khác, ông không lãng phí thời gian, mỗi đồng tiền tiết kiệm được, ông đều mua sách cũ để bổ sung kiến thức và văn hóa cho mình.

Năm 22 tuổi, lúc Lý Gia Thành bắt đầu thành lập công ty riêng, ông nhận thấy rằng, khi xây dựng doanh nghiệp, không có một công thức nhất định nào để thành công, yếu tố thất bại lại luôn thường trực, do đó giảm mức độ thất bại một cách thấp nhất là cách thức nhanh nhất để tiến đến thành công. Doanh nghiệp cần phát triển nhảy vọt trong sự ổn định, giải quyết những mâu thuẫn cơ bản bao gồm: tăng thu nhập với giảm chi phí; giám sát quản lý với sáng tạo và trao quyền hành, trực giác với khoa học, biết dừng lại với việc phát triển vô hạn...

Với người quản lý, muốn thành công cần phải biết chọn lựa và phát triển nhân tài. Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp muốn phát triển không nên tuyển nhân viên “bảo sao nghe vậy”, dễ nản chí, nhưng đồng thời cũng không thể chấp nhận một nhân viên thích “khoe khoang, tâng bốc”. Ngoài năng lực, người quản lý chọn nhân viên cần dựa trên phẩm chất đạo đức tốt, trung thành, đáng tin cậy.

Để xây dựng một doanh nghiệp đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất chí chính người quản lý cần biết phát hiện và lắng nghe: Trong quá trình làm việc, nhân viên có thấy thoải mái không? Người quản lý có thể khoan dung, đại lượng, làm việc công bằng, thừa nhận sự tôn nghiêm và khả năng sáng tạo của nhân viên không? Người quản lý có nguyên tắc và kiên trì nguyên tắc đó không, có quá cố chấp, câu nệ không?

Học giả Hy Lạp cổ đại Archimedes đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên”. Là người quản lý doanh nghiệp cần hiểu “nguyên lý đòn bẩy” này. Điểm tựa đúng đắn là điều kiện quan trọng đạt được thành quả. Chỉ có người quản lý giỏi mới tính được chính xác vị trí đặt điểm tựa. Điều này thử thách khả năng tổng hợp và kiến thức chuyên ngành của người quản lý, xem người quản lý có thể nhìn rõ mối liên quan giữa các sự việc lớn nhỏ hay không.

Nghệ thuật quản lý còn phụ thuộc vào việc tiếp nhận sự vật mới, tư duy mới và thay đổi tư duy truyền thống. Theo Lý Gia Thành, khả năng nhận thức của con người là thành quả hài hòa của lý trí và trí tuệ. Muốn bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững thì người quản lý cần hết mình vì doanh nghiệp. Điều này không đơn giản như hai từ “sứ mệnh” thường được nhắc đến trong văn hóa doanh nghiệp, vì đó chỉ là hình thức bên ngoài, là khẩu hiệu mà thôi.


  • 22/03/2021 03:05
  • Thảo Nguyên (TH theo Nhà quản lý tài giỏi)
  • 1500