Phần 1: Một thoáng suy nghĩ về tập tính văn hoá người Việt Nam hôm nay thức dạy để soi mình đi! Ta là ai? Tác giả đã đề cập đến định mệnh và giá trị con người, với đôi lời bàn về Lực - Tâm - Trí - Tài - Quyền - Thế - Đạo…ta thấy tác giả đã chứng minh và khẳng định một điều “…con người đã sáng tạo nên những giá trị không sẵn có trong vũ trụ. Hạnh phúc suy cho cùng là quà tặng mà con người tự thưởng cho những gian nan, truân chuyên của sự nghiệp làm người…”; “Lực - Tâm – Trí – Tài - Quyền - Thế - Đạo là những khái niệm đo lường năng lực của con người trong nhân gian, ý nghĩa này mang tính xã hội chứ không mang nghĩa tự nhiên. Văn hoá là dòng nhựa sống của con người, của các xã hội trong “nhân gian” đó. Văn hoá thổi vào Lực - Tâm – Trí – Tài - Quyền - Thế - Đạo một thứ gọi là “đạo” để mỗi thứ ấy có thể liên kết nhau, kết dính như một nam châm khổng lồ những yếu tố nhân văn, nhân tính, nhân ái, nhân hoà, nhân bản còn tiềm ẩn trong mỗi người…“.
Phần 2: Văn hoá ứng xử - chuyện đời thường gồm 67 bài viết ngắn của tác giả, trong đó một số bài viết như: Nỗi niềm tự do; Ý nghĩa của tri thức; Bi hài của triết lý; Sự bế tắc của “giá trị”; Tâm lý đám đông; Hình ảnh của sự giàu có; Tâm hồn không yên ổn…là những khám phá mang lại nhiều bất ngờ cho độc giả. Cái thực mà Nguyễn Tất Thịnh bắt gặp hàng ngày cũng là cái thực của thời hiện đại hóa mà dân tộc ta phải đương đầu. Song có nhiều người đi ngang qua cái thực mà không thể nhìn thấy, cũng chẳng nói lên được cái thực, giống như hòn đá lăn qua không bám rêu, lạo xạo dưới chân người chẳng nói lên được điều gì. Từng dòng chữ là chủ ý của tác giả muốn bạn đọc liên tưởng đến những gì có thể, tự đặt ra câu hỏi đối với xã hội, con người và cuộc sống xung quanh mình.
Phần 3: Văn hoá giao tiếp trong kinh doanh gồm 5 bài viết mang đậm tính triết lý về những giá trị và bản chất của văn hoá. Đó chính là những điều căn bản, đồng thời là đỉnh kết cục của bất cứ một quá trình, một sự nghiệp, một công cuộc nào. Mỗi cá nhân hay một tổ chức có thể tạo ra và khẳng định được giá trị của mình có sự tiến bộ, có ưu trội và có thể cộng hưởng mạnh mẽ hay không chính là sự thành công của cá nhân hay tổ chức đó. Những giá trị của văn hoá đặc biệt trong kinh doanh là một tín hiệu hướng người ta đến nhân sinh quan tuyệt đối, không xung đột và hướng thiện, làm giàu có thêm cuộc sống vật chất và tinh thần bởi ý nghĩa xã hội của sự giàu có.
Phần 4: Văn hoá ứng xử - tản mạn cùng bạn đọc gồm 14 bài viết. Trong phần này tác giả đặc biệt chú ý phân tích những nhược điểm, mâu thuẫn, thói xấu điển hình trong tập tính của người Việt Nam và chia sẻ những suy nghĩ của tác giả về những điều đó…, những điều viết ra là những đúc kết, chiêm nghiệm của chính tác giả. Bởi hơn ai hết tác giả muốn chia sẻ, muốn kêu gọi sự đồng tình của độc giả, muốn họ cùng suy nghĩ về những điều trăn trở đó vì quan niệm, hành vi, phong cách, tư duy của mỗi người đều là sản phẩm tất yếu của xã hội mà chúng ta đang sống trong đó, mỗi người là một hạt nhân sống động chi phối các hành vi và tạo nên khái niệm mang tính trừu tượng về thói quen ứng xử trong xã hội đó.