Bi hài chuyện “đồng phục” công sở

Đồng phục công sở hiện đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam và xoay quanh nó là  nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Hiếm có bộ đồng phục nào làm hài lòng tất cả mọi người - Ảnh minh họa

Muôn mầu... ca thán 

Đối tượng đầu tiên hay nói về “nỗi khổ” đồng phục công sở chính là những tín đồ thời trang và tín đồ mua sắm.

Nếu trước đó, họ có thể thoải mái phối kết hợp mỗi ngày một kiểu, có khi cả nửa tháng không mặc trùng nhau, bây giờ nhiều ngày trong tuần phải chịu cảnh đồng phục trăm người như một, nhiều lúc cũng cảm thấy thiếu sự tự do.

Các tín đồ thời trang đã vậy, phái đẹp “người thường” chốn văn phòng cũng chẳng thiếu lý do để ca thán về đồng phục.

Dương Hiền, nhân viên mới của một công ty viễn thông ấm ức: “Công ty may đồng phục có thêu logo, nên tất cả nhân viên bắt buộc phải may đo tại một địa điểm. Ngày nhận mẫu áo đồng phục mình buồn lắm. Công ty có hai loại vải để chọn, mình chọn vải số 1 sáng màu hơn thì nhà may lại may nhầm sang mẫu vải số 2. Hơn nữa, mang tiếng là áo may đo mà bị chật như may cho người khác vậy. Càng sửa càng thấy hỏng dáng áo…”

Bên cạnh nỗi khổ phải mặc bộ trang phục đi làm trăm ngày như một, đồng phục công sở còn tạo nên một nỗi khổ khác mang tên “khoe trọn vóc dáng kém nuột nà”. Kim Lan vốn là một cô gái có thân hình “quả lê”, với đôi chân kém đẹp, trước khi công ty ra “luật thép” về các mẫu áo đồng phục, ngày nào nàng cũng chỉ đóng bộ các loại quần áo dáng rộng để che đi khiếm khuyết của cơ thể.

Từ đầu tháng trước, Công ty quyết định, toàn bộ nhân viên phải mặc áo đồng phục đi làm vào ngày lẻ: “Những ngày phải mặc đồng phục quả thật là những ngày tra tấn đối với mình, áo sơ mi chiết eo khiến nửa người trên nhìn càng nhỏ, lại còn phải sơ vin trong chân váy nên lộ hẳn vòng 3 quá khổ, chưa kể váy ngắn chẳng che nổi cặp chân “voi”. Từ khi mặc đồng phục, mình toàn bị đồng nghiệp hỏi có phải dạo này lên cân không? Thật là cười ra nước mắt! - Kim Lan buồn bã chia sẻ.

Doanh nghiệp bớt khắt khe, nhân viên bớt phàn nàn

Cũng có thể phần nào thông cảm cho sự phàn nàn của chị em công sở, bởi phụ nữ vốn vẫn luôn coi trọng chuyện ăn mặc. Ngay cả khi nhà thiết kế cố gắng sáng tạo các mẫu đồng phục công sở đẹp hơn, hiện đại hơn, thì điều đó cũng chẳng thể thay đổi được sự thật buộc phải chấp nhận là, mỗi người một vóc dáng, một phong cách và khó có loại đồng phục nào làm hài lòng, đẹp với tất cả mọi người.

Vẫn biết đồng phục công sở thể hiện “màu cờ sắc áo”, là bản sắc, niềm tự hào của doanh nghiệp. Nhưng thiết nghĩ, thay vì ép buộc nhân viên mặc đồng phục cả tuần, có lẽ chỉ nên quy định mặc vào những dịp quan trọng hay mặc vào một ngày nhất định trong tuần.

Các nhà tâm lý học và y học cũng đã nhiều lần khẳng định, màu sắc và trang phục có mối liên quan chặt chẽ đến cảm xúc, khả năng sáng tạo và sức khỏe của con người. Chẳng thế mà ở nhiều doanh nghiệp, khái niệm “trang phục công sở” cũng đã không cần phải cứng nhắc gói gọn trong sơ mi, chân váy, áo vest, quần tây như trước, chứ chưa nói đến chuyện đồng phục.

Còn riêng với những ngành nghề liên quan đến dịch vụ khách hàng đòi hỏi việc bắt buộc phải mặc đồng phục như lễ tân, hàng không, khách sạn, giao dịch viên, thay vì phàn nàn về đồng phục, người lao động nên tự khắc phục vấn đề cá nhân để gạt đi những áp lực không đáng có trong công việc.


  • 24/12/2015 03:32
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1887


Gửi nhận xét