Họp là hành…

Theo đánh giá của người nước ngoài về “việc họp” thì người Nhật luôn đứng đầu bảng, sau đó đến người Hàn Quốc. Cứ cuộc họp, hội thảo nào mà chủ đề không liên quan đến họ là họ lập tức… ngủ một giấc ngay tại chỗ ngồi.

1. Còn ở ta…

Ở một cơ quan nọ có một bác chuyên viên vô cùng mẫn cán và nghiêm túc. Hàng ngày, công việc chính của bác là dự hội thảo và họp. Bởi vì bác là chuyên viên, nên những cuộc họp không mấy quan trọng và ít liên quan đến việc cơ quan là bác lại “được đi”.

Đi nhiều cũng có cái hay, vì cứ đi là có túi quà nọ, quà kia. Thỉnh thoảng lại có phong bì, nên bác càng khoái và thấy hơi tự hào vì chẳng gì bác cũng là người quan trọng nên mới được cơ quan cử đi chứ? Do đó, mỗi cuộc họp bác đều nghiêm túc tham gia, hầu như không bỏ sót một buổi nào, ‘có gì’ bác cũng ghi chép đầy đủ từ đầu tới cuối.

Bác chỉ tiếc một điều là chưa bao giờ bác được đi hội thảo ở nước ngoài. Bác ước ao được đi một lần cho biết, nhưng trình độ ngoại ngữ của bác không ổn cho lắm. Cho nên cứ lúc nào có cuộc hội thảo ở nước ngoài thì cơ quan lại cử người khác đi chứ không mời bác nữa. Bác đành tự trách mình. Bác cũng muốn giỏi ngoại ngữ như ai, nhưng hiềm một nỗi tuổi già học không vào.

Ảnh minh họa

2. Đùng một cái, bác có tên trong danh sách đi dự hội thảo ở Đài Loan những một tuần. Bác vui quá trời luôn: “Chắc hẳn cơ quan cũng nhìn nhận khả năng của mình”.

Bác khẩn trương thông báo cho cả họ biết việc cơ quan tin tưởng cử bác sang Đài Loan dự hội thảo – việc này là việc vô cùng trọng đại. Không chỉ có thế, bác còn bảo vợ con làm mấy mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, rồi mời họ hàng đến gọi là mừng cho bác. Cũng phải thôi, bác là người đầu tiên trong họ được vinh dự ra công tác ở nước ngoài mà.

Có một điều bác không thể biết được khi sang Đài Loan là hội thảo ở nước ngoài khác hẳn với ở trong nước. Họ làm việc với cường độ cao, các chương trình hội thảo vô cùng sát sao, gần như suốt cả ngày bác (cũng như những thành viên khác) phải nghe họ thuyết trình. Nhưng… bác nghe mà có hiểu gì đâu? Nghe trực tiếp thì không thể, mà nghe qua phiên dịch thì không được mấy… nên bác thấy buồn ngủ rũ ra. Đã thế những lúc nghỉ họp lại phải tranh thủ đi thăm thú mọi nơi. Chả lẽ sang Đài Loan mà chẳng biết Đài Loan có nơi nào đẹp? Họp nhiều, đi nhiều nên bác càng ít được ngủ, bác đâm ra mệt mỏi rã rời.

Cứ như thế cho đến ngày thứ ba thì bác không thể chịu đựng nổi nữa, không thể nghiêm túc được nữa. Bác muốn gà gật lắm rồi. Bác liếc nhìn xung quanh, cũng có vài người mắt cũng lim dim như bác, thế là bác yên tâm. Thỉnh thoảnh cái đầu bác gật cái rụp. Bác thấy mình trở về nhà mới oai làm sao. Cả họ đón bác như thể đón ông quan huyện. Bác cười rổn rảng. Thằng cháu nội từ đâu chạy tới gọi: Ông nội… ông nội…

Bác cúi xuống cúi xuống định ôm thằng cháu. Bỗng uỵch một cái. Bác mở mắt ra thấy mình đang dưới nền nhà của phòng hội thảo. Theo quán tính, bác vội vàng choàng đứng dậy ngơ ngác, miệng vẫn còn đọng lại nửa cái cười với thằng cháu yêu.

3. Nửa tháng sau khi về nước. Cơ quan của bác nhận được tờ công văn từ nước bạn “Đề nghị cơ quan từ nay hãy cử những người có năng lực và… để tránh những điều đáng tiếc xảy ra” .

Bây giờ bác mới “ngấm đòn”. Bác không thể ngờ được đoạn cuối “sự nghiệp” vô cùng mẫn cán của đời bác lại ra nông nỗi này. Bác phải viết kiểm điểm. Lẽ ra cơ quan bố trí cho bác đi một chuyến đi nước ngoài mở rộng tầm nhìn trước khi về hưu là một niềm vui vô bờ bến, thì hóa ra bác lại phải chịu khổ thế này. Bác ngồi hý hoáy viết một lúc mà không hoàn chỉnh một bản kiểm điểm nào. Trên bàn, những tờ giấy được bác vo viên vứt đầy bàn. Cuối cùng bác lấy một chiếc bút dạ, viết thật đậm một dòng: HỌP LÀ HÀNH!
 


  • 28/10/2015 04:29
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1411


Gửi nhận xét