Khi biết Lan chuyển từ một tòa soạn lớn về một trang tin điện tử nhỏ chưa có tiếng tăm, mọi người không khỏi thắc thắc: “Tại sao cô ấy lại bán bò đi tậu ễnh ương?”, chỉ mình Lan là hiểu tại sao cô lại phải tháo chạy khỏi “giấc mơ” của bao sinh viên mới ra trường…
Vừa tốt nghiệp trường Báo, vác đơn xin việc khắp nơi thì Lan như “vớ bẫm” khi được một tòa soạn lớn tuyển dụng vào vị trí phóng viên. Công bằng mà nói thì thành tích học tập của cô khi ở trường rất tốt, các hoạt động ngoại khóa đều nhiệt tình tham gia và đã tham gia làm cộng tác viên cho vài tạp chí điện tử nên việc cô được tuyển dụng vào tòa soạn đó cũng là điều dễ hiểu.
Ảnh minh họa
|
Mang tâm thái của một sinh viên mới ra trường đầy đam mê và khí thế đến tòa soạn, nhìn thấy môi trường làm việc quá chuyên nghiệp, ai ai cũng cặm cụi vào máy tính và không khí làm việc rất khẩn trương, Lan lấy làm sung sướng lắm. Cô trộm nghĩ, đây sẽ là nơi làm việc đầu tiên mà mình cống hiến tận lực. Thế nhưng sau sáu tháng, cô đã phải "bỏ của chạy lấy người" vì… vỡ mộng...
Ngày đầu tiên đi làm, Lan được phòng nhân sự bố trí cho một chỗ ngồi gần góc phòng, vị trí đắc địa "một mình một cõi" gần như tuyệt giao với đồng nghiệp. Vì vẫn còn ngô nghê nên Lan thẽ thọt: “Chị có thể cho em ngồi gần các anh chị đồng nghiệp để em giao lưu và học hỏi thêm được không ạ?”, vừa hỏi xong thì cô bị chị quản lý nhân sự dội ngay cho một gáo nước lạnh: “Em đến đây là để làm việc, không phải là để giao lưu, học hỏi!”. Xong chị quản lý đi mất, để lại Lan với sự hẫng hụt và bơ vơ không biết hỏi ai và hiểu bản thân mình phải làm công việc gì. Cứ thế, cho đến hết ngày, Lan giả vờ cúi mũi vào cái máy tính để nghiên cứu về tờ báo mình đang làm mà thực ra là cô đã nghiên cứu nó đến nát ra ở nhà rồi.
Tầm chiều trước khi về, Lan nhận được 1 cái email dài dằng dặc phổ biến về quy chế, quy định làm việc của nhân viên. Lan ngồi nghiên cứu cái quy định mà toát mồ hôi hột, bảng nội quy dày đặc với những lỗi phạt, định mức cho phóng viên và thời gian làm việc khiến Lan bắt đầu thấy "rét". Hèn chi lúc phỏng vấn, anh trưởng phòng nhân sự lại hỏi cô: “Em có nhiều đam mê với lĩnh vực mình theo đuổi không?”. Nghĩ đến lời khẳng định chắc nịch rằng mình có thừa đam mê, cô quyết tâm “mình sẽ vượt qua mọi khó khăn!”. Nhưng đời đúng không như là mơ…
Ngày hôm sau, Lan bắt đầu vào guồng quay của một phóng viên chuyên mục xã hội, lĩnh vực đầy “đất” để viết nhưng cũng lắm khó khăn. Ngày đầu tiên, cô hăm hở vác máy ảnh xuống tận gầm cầu Long Biên, vào khu ổ chuột để làm cái phóng sự. Gặp ngày mưa gió rét mướt, lại một thân một mình đi tác nghiệp, bị nhân vật từ chối đây đẩy,... mãi mới có người chịu cho cô phỏng vấn. Hì hụi nguyên ngày cũng được một bài phóng sự theo cô là “chất”, vội chạy về tòa soạn để đẩy tin lên duyệt thì bị trả về với lý do “Tin chưa thời sự, không theo dòng sự kiện”. Lan thấy hẫng, nhưng quyết tâm vẫn chưa thuyên giảm trong cô.
Ngày hôm sau, áp lực về tin bài lại dai dẳng trong đầu Lan khi cô chưa có một bài nào “ra mắt” thật "oách". Lan ngồi ngẫm nghĩ, rồi lân la sang chị chủ mục ban xã hội hỏi ý kiến thì chị này tỉnh queo: “Em cứ đưa những tin về xã hội, những vấn đề mà dư luận đang quan tâm!”. Hết! Lại chung chiêng lần hai, Lan quay về chỗ và ngẫm nghĩ về định hướng tin bài thế nào cho chuẩn. Xong, cô thông báo với chủ mục và lại xách máy ảnh đi tác nghiệp .
Đang đi đến nửa đường thì Lan nhận được cuộc điện thoại của quản lý nhân sự: “Em đi đâu mà không thông báo cho mọi người?”. Dù đã giải thích là đi tác nghiệp vì có tin nóng và đã báo cho chủ mục nhưng chị quản lý vẫn hét lên: “Làm việc là phải có tổ chức, em muốn đi đâu, làm gì thì phải có mail báo cáo cho sếp và nhân sự, tòa soạn không phải cái chợ mà muốn vào thì vào, muốn đi thì đi!”. Xong, chị quản lý tắt rụp máy, Lan lại hoang mang tập hai. Vậy nên quay về viết mail hay đi lấy tin? Suy nghĩ một hồi cô thấy chị quản lý nói đúng, mình cần tôn trọng kỉ luật nên cô quay lại viết mail và gửi, sau đó nửa tiếng được hồi đáp “Đồng ý” rồi mới đi lấy tin, đến nơi thì hiện trường lấy tin đã dọn dẹp xong từ lâu, thế là lại công cốc!
Sang đến ngày thứ ba mà vẫn chưa có tin nào lên trang, chị chủ mục và chị quản lý bắt đầu email cho Lan về thái độ làm việc chưa chuyên tâm và chưa chuyên nghiệp như trong CV cô miêu tả. Lan lại càng thêm áp lực khi muốn chứng tỏ với mọi người là mình làm được việc, thế là Lan bắt đầu rối…
Cô xin ra ngoài từ sớm và chầu chực cả ngày ở bệnh viện để lấy được mấy tin về dịch cúm trẻ em và phỏng vấn được 1 số phụ huynh của các bệnh nhi. Lan tìm chỗ có wifi và gửi tin về thì nhận được phản hồi: Phải phỏng vấn bác sỹ trưởng khoa! Vậy là phải tiếp tục chờ đợi vị bác sỹ trưởng khoa họp đến hết buổi chiều mới xin được phỏng vấn. Cuối cùng, Lan cũng được thở phào vì việc đã suôn sẻ mà quên mất, mỗi ngày trôi qua cô phải có ít nhất 2 tin bài lên trang.
Vậy là đến cuối tháng lĩnh lương, Lan cười như mếu vì lương bị trừ gần hết do không đủ định mức. Nhưng nghĩ đến mục tiêu trở thành một phóng viên “cứng”, Lan hạ quyết tâm phải cố gắng hơn nữa...
Thế nhưng, tháng qua tháng, ngày qua ngày, công việc bị nhắc nhở và đốc thúc liên tục, trong khi bài đưa ra tiêu chí rất chung chung, Lan bắt đầu thấy hình như mình không có năng lực thật và bắt đầu thấy nghi ngờ về bản thân mình.
Những ngày sau đó, cô đến tòa soạn chấm công, viết mail xin ra ngoài và lại vác máy chạy khắp nơi săn tin. Tin lên và không lên rất tùy hứng, khiến Lan thấy chán nản, cái áp lực chạy đủ tin đã khiến đầu óc cô lùng bùng, không nghĩ được cái gì thấu đáo, hay ho. Từ ngày đi làm, cô chưa một lần hẹn hò bạn bè đi chém gió vì “tớ bận lắm!”. Bạn bè đứa hiểu thì không sao, đứa không hiểu và đang thất nghiệp thì lại nghĩ Lan chảnh, được làm trong một tòa soạn lớn nên “bơ” bạn bè, nào ai hiểu “người trong cuộc” đang rối như tơ vò…
Liên tục bị trừ lương, khiển trách và không thể hòa nhập được với đồng nghiệp khiến Lan rơi vào trạng thái stress, cô thấy mọi vấn đề xung quanh mình đều là một màu xám xịt, mình đã chọn sai nghề, mình là người không có năng lực… Những suy nghĩ ấy cứ lởn vởn trong đầu cô phóng viên trẻ khiến Lan khủng hoảng.
Cuối cùng, không thể chịu nổi áp lực công việc và lại hoang mang về trình độ của bản thân, cô viết đơn xin nghỉ việc. Mọi người biết tin cứ bảo: “Sao cậu ngốc thế? Bao nhiêu người muốn vào đó không được? Giờ cậu lại xin ra?”. Lan chỉ cười trừ, không dám nói vấn đề của mình với bạn bè vì nói ra không ai giúp được gì lại chỉ thêm nản lòng.
Sau một thời gian nghỉ ngơi, Lan gửi hồ sơ xin việc vào một tạp chí nhỏ với công việc phóng viên ảnh. Nhìn vào hồ sơ của cô, trưởng phòng nhân sự bên này cũng không khỏi thắc mắc tại sao cô lại nghỉ việc? Lan đành phải "bịa" một lý do rất chung chung: “Em bận chuyện cá nhân đột xuất nên phải nghỉ, chứ em tiếc lắm!”.