Ảnh minh họa
|
"Hô biến" công ty thành nhà riêng
Trên bàn làm việc của Hà Phương (26 tuổi, nhân viên kế toán của một công ty tài chính tại Hà Nội) lỉnh kỉnh những thứ chỉ có ở nhà riêng: Nào là bàn chải, tuýp thuốc đánh răng, gương, lược,… Bên dưới gầm bàn, còn có cái giá nhỏ chứa nước rửa bát, xà phòng, khăn mặt, găng tay cao su...
Phương lý giải: “Mang cơm trưa đến văn phòng, ăn xong không rửa mà mang về nhà thì bẩn lắm. Thế nên em phải mang nước rửa bát tới để xử lý luôn mỗi khi ăn xong. Đôi găng cao su cũng không thể thiếu vì em bị dị ứng chất tẩy rửa. Tính em sạch sẽ, không chịu được bẩn, ăn trưa xong là phải đánh răng sạch sẽ”.
Đồng nghiệp và trưởng phòng cũng thấy chướng mắt với góc làm việc của Phương. Vài lần mọi người nhắc nhở, Phương cự lại: “Trong quy định của công ty làm gì có chỗ nào cấm mang nước rửa bát, bàn chải răng tới cơ quan? Vả lại, phòng mình là phòng kế toán, chẳng bao giờ phải tiếp khách hàng, không cần phải quá câu nệ chuyện giữ hình ảnh”.
“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Bình thường, sếp tổng chẳng bao giờ đến phòng kế toán. Nhưng hôm đó do có việc đột xuất gọi điện cho chị trưởng phòng không được, sếp đích thân xuống tìm. Khi thấy những vật dụng cá nhân tại bàn làm việc của Phương, sếp khó chịu ra mặt. Phương xanh mặt trước thái độ của sếp và vội vàng thu dọn đồ đạc.
Ăn vặt, để đồ khi phòng chật, người đông
Diện tích phòng làm việc khá chật hẹp, Linh (một nhân viên truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh) lại ngồi cạnh một đồng nghiệp nữ đã chạm tuổi “băm” nhưng chưa lập gia đình, tính rất vô tư. Chị rất thích ăn vặt, thường mua đồ ăn về phòng. Nhiều đồ ăn mua về rất nặng mùi. Có lần Linh nhắc khéo chị ấy không nên mua những thứ đồ ăn nặng mùi như mít, sầu riêng, pizza… vì nhiều người không biết ăn, không chịu nổi mùi của những thứ ấy. Nhưng chị vẫn vô tư không để ý.
Mỗi lần như vậy, Linh phản ứng bằng cách nín thở, bịt mũi hoặc đi chỗ khác, nhưng tình trạng cứ tiếp diễn liên tục khiến cô rất khó chịu và còn làm ảnh hưởng đến kết quả công việc nữa. Nhiều lần Linh cũng muốn nói nhưng không biết góp ý với chị ấy thế nào, vì chị ấy cũng thuộc dạng “không vừa đâu”, nên rất khó nói chuyện tâm tình… "Ca" này thật khó!
Hiểu lầm tai hại chỉ vì đồng nghiệp bừa bộn
"Không phải của em", Hoài Thu (nhân viên văn thư một văn phòng công chứng tại Hà Nội ) đỏ mặt tía tai khi anh đồng nghiệp liếc xéo sang với ánh mắt đầy nghi ngờ. Hoài Thu được điều động sang làm nhân viên hành chính thay cho một chị mới chuyển công tác. Nhưng chị này “ra đi vội vã” chỉ xách theo một số đồ quan trọng, còn lại tạp chí, tài liệu, những vật dụng vô tình bỏ quên thì vẫn còn nằm lại trên bàn.
Hôm chuyển qua chỗ mới, Hoài Thu dọn dẹp hết số tài liệu, hợp đồng, giấy lộn ở khay, bên dưới lộ ra nhiều đồ “khả nghi”. Đó là những miếng hình vuông nhỏ in hoa mà thanh niên ai cũng biết. “Số đồ phụ nữ” này chắc được dúi vào vội vã bởi đã nhăn nhúm và hết hạn sử dụng. Khi đồng nghiệp nam đến giúp tháo máy tính, nhìn thấy ngay số “bánh” đó khiến mình chỉ muốn chui đầu xuống đất”, Hoài Thu vừa cười vừa ngượng nghịu chia sẻ.