Trên cương vị một nhà lãnh đạo/quản lý, việc gần gũi, thân thiện với nhân viên là kỹ năng cần có
|
Nghe nhiều hơn...
Nếu muốn nhân viên tích cực giao tiếp, trước hết, các nhà lãnh đạo/quản lý phải làm gương, cần tham gia tích cực vào chia sẻ, bình luận, đưa ra những phản hồi và trả lời về mọi vấn đề đang tồn tại trong cơ quan, doanh nghiệp, hoặc những vấn đề mà nhân viên còn thắc mắc, chưa rõ. Tại nước Mỹ, một số công ty vẫn thường xuyên tổ chức các chương trình như: Giám đốc đến thăm nhân viên, lấy ý kiến các nhóm, gửi thư cá nhân, hội nghị, video… lắng nghe nhân viên nhận xét, từ đó, bổ sung, hoàn thiện phong cách lãnh đạo/quản lý của mình. Ðặc biệt, một số DN còn đưa ra giải pháp sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh như một hòm thư góp ý để tiếp cận nhân viên và tạo môi trường cho nhân viên thoải mái chia sẻ. Sự lắng nghe của lãnh đạo/quản lý luôn được coi là động thái tích cực, tạo mối quan hệ giữa sếp và nhân viên ngày càng gần gũi hơn.
Sẵn sàng làm việc cùng nhân viên
Nhà lãnh đạo/quản lý cần thể hiện, họ luôn sẵn sàng làm việc nhiều hơn nhân viên và sẵn sàng cùng họ chiến đấu vì mục tiêu chung của cơ quan, DN. Ðiều này sẽ minh chứng cho một triết lý, sếp sẽ không bao giờ giao cho nhân viên những việc mà bản thân họ cũng không muốn làm. Nhân viên sẽ nhìn vào điều này và có xu hướng tôn trọng và tin tưởng sếp hơn. Thông qua công việc, mối quan hệ giữa hai bên cũng sẽ tốt đẹp hơn.
Ghi nhận và khen thưởng kịp thời
Nhà lãnh đạo/quản lý cần tạo môi trường làm việc tích cực, giúp nhân viên có thể thoải mái. Việc chỉ áp dụng kỷ luật thép và giải pháp phê bình hoặc khiển trách chắc chắn sẽ làm cho nhiều người bực dọc và trở nên bất mãn. Hãy thay đổi bằng cách, bên cạnh việc tôn trọng kỳ luật, cần thường xuyên khen thưởng, động viên kịp thời, công khai khi nhân viên làm việc hiệu quả. Ðây chắc chắn là động lực rất lớn để mọi người hoàn thiện kỹ năng và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Ðiều quan trọng là, người quản lý, lãnh đạo cần vững vàng và công tâm, hãy khen đúng người, phạt đúng tội.
“Chiến đấu” cùng nhân viên
Nếu lãnh đạo/quản lý “chiến đấu” vì nhân viên của mình, nhân viên cũng sẽ “chiến đấu” vì bạn. Một khi nhân viên cảm nhận được rằng, lãnh đạo/quản lý luôn quan tâm đến họ, họ sẽ càng quan tâm đến công việc nhiều hơn. Người lãnh đạo/quản lý cần gắn bó với nhân viên của mình và bảo vệ họ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần làm việc chung của tổ chức. Nhà lãnh đạo/quản lý hãy không ngừng quan tâm đến mọi diễn biến trong và ngoài công ty, từ đó, kịp thời hỗ trợ nhân viên. Ðây cũng là một trong nhiều giải pháp giúp nhân viên tin tưởng và có cảm giác gần gũi đối với lãnh đạo/quản lý trực tiếp của mình.
Tạo không khí làm việc thân mật như một gia đình
Phần lớn mọi người đều gặp áp lực khi đến công ty làm việc và chỉ thật sự thoải mái khi ở nhà. Lý do một phần vì công việc, một phần vì tại công sở có quá nhiều quy tắc. Ðể mọi người được thoải mái, hãy tạo ra không khí của một gia đình trong công ty. Ví dụ như, tạo một phòng nghỉ trưa riêng cho mọi người, giúp họ có thể ngả lưng một vài phút, hay bàn làm việc có thể kê sát với nhau, không có vách ngăn, nhân viên thoải mái trao đổi. Bên cạnh đó, còn nhiều việc khác như, cùng tham gia dọn dẹp văn phòng, sắp xếp đồ dùng... đều là cách để thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo/ quản lý không chỉ đến chất lượng công việc mà còn đến môi trường sinh hoạt của nhân viên. Những việc này tuy nhỏ, nhưng lại làm cho nhân viên cảm thấy thoải mái, không gò bó, các mối quan hệ cũng ngày càng bền chặt.
Tổ chức các hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động ngoại khóa sẽ là dịp để nhà lãnh đạo/quản lý có không gian gần gũi hơn với nhân viên của mình sau những giờ phút nghiêm túc trong công việc. Nhà lãnh đạo/quản lý đừng bó hẹp bản thân 24/7 trong 4 bức tường văn phòng, hay mải mê cùng những buổi gặp mặt đối tác, mà hãy gây bất ngờ bằng cách xuất hiện tại nhà ăn công ty vào bữa trưa hay vui hết mình với mọi người khi công việc hoàn thành! Chúng ta có thể thấy, hình ảnh những nhà lãnh đạo/quản lý các doanh nghiệp lớn xếp hàng nhận đồ và thưởng thức bữa trưa tại nhà ăn bình thường như bao người khác đã gây ấn tượng bất ngờ về sự thân thiện, dân dã được nhiều người chia sẻ tích cực trên các trang mạng xã hội.
Ngoài ra, muốn phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi hơn trong công ty, lãnh đạo nên tổ chức các cuộc thi tập thể, đề cao tinh thần đồng đội, phát huy sự sáng tạo của mọi người.
Tin tưởng
Niềm tin là nền tảng của sự tôn trọng và tôn trọng là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ giữa nhân viên - quản lý thành công. Khi cởi mở và trung thực với các thành viên trong nhóm, bạn sẽ khiến nhân viên cảm thấy được tôn trọng. Ðổi lại, họ sẽ cởi mở, trung thực và tôn trọng bạn.
Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp các nhà lãnh đạo/quản lý tạo được mối quan hệ gắn kết với nhân viên để cùng nhau đạt hiệu quả công việc tốt nhất!