Bí quyết trở thành tỷ phú của Micheal Bloomberg: Ngủ muộn, dậy sớm và tắm ít

Micheal Bloomberg, từng có xuất phát điểm là một nhân viên trông xe hiện có tài sản 54,9 tỷ USD, được xếp hạng thứ 14 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.

Từ bãi đỗ xe đến chính trường Mỹ

Micheal Bloomberg sinh năm 1942 tại Medford, Massachusetts – một thị trấn nhỏ cạnh Boston trong một gia đình bình dân. Ông sớm được tiếp xúc với sách vở thông qua cửa hàng sách nơi cha ông làm việc.

Bloomberg theo học tại Đại học Johns Hopkins và làm việc như một nhân viên tại bãi đậu xe để trả tiền học phí. Năm 1964, ông tốt nghiệp cử nhân ngành kỹ thuật điện, sau đó tiếp tục nhận được bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) từ Trường Harvard danh tiếng.

Năm 1973, Michael Bloomberg bắt đầu đến phố Wall - trung tâm tài chính của nước Mỹ làm việc cho công ty Solomo Brothers. Ban đầu ông chỉ làm công việc có phần nhàm chán là dành nhiều giờ để kiểm kê sổ sách của ngân hàng.

Sau đó ông được phụ trách mảng kinh doanh chứng khoán tại đây. Năm 1978, ông chịu trách nhiệm vận hành mảng công nghệ thông tin của công ty. Ông ở lại Salomon hơn 3 năm cho đến khi đơn vị này sát nhập với công ty thương mại hàng hóa Phibro năm 1981. Bloomberg bị sa thải với khoản trợ cấp nghỉ việc 10 triệu USD. 

Rời khỏi Salomon, Bloomberg quyết định áp dụng những gì ông học được vào thành lập một công ty với tên gọi AInnovative Market Solution. Đơn vị này chuyên cung cấp thông tin, số liệu cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Năm 1982, công ty có đơn hàng đầu tiên trị giá 30 triệu USD với 22 thiết bị đầu cuối. 

Sau đó, công ty được đổi tên thành Bloomberg LP và trở nên phổ biến rộng rãi trong suốt những năm 80. Đến năm 1989 doanh nghiệp này có giá trị thị trường 2 tỷ USD. Bloomberg đồng thời trở thành thương hiệu truyền thông đình đám nhất lúc bấy giờ bao gồm Bloomberg News và Bloomberg TV.

Tuy nhiên, Micheal Bloomberg đã nhường lại vị trí Giám đốc điều hành công ty cho Lex Fenwick để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Năm 2001, Bloomberg tham gia tranh cử chức Thị trưởng thành phố New York với tư cách là thành viên Đảng Cộng hòa dù trước đó ông đã có thời gian đứng trong hàng ngũ Đảng Dân chủ.

Từ khi lên nắm quyền, Bloomberg đã làm nhiều việc để đưa thành phố New York trở lại nhịp sống vốn có. Ông cũng từ chối khoản lương dành cho thị trưởng mà chỉ nhận tượng trưng 1 USD mỗi năm. Bloomberg đã có 3 nhiệm kỳ thành công khi giữ chức thị trưởng thành phố New York.

Micheal Bloomberg là hình mẫu lý tưởng của các chính trị gia trên khắp thế giới, đồng sáng lập một liên minh của hơn 200 thị trưởng trên toàn nước Mỹ. Ngoài ra, ông còn là người sáng lập và thành viên tích cực của nhiều tổ chức giáo dục, văn hóa và từ thiện lớn trên thế giới.

Muốn thành công hãy khác biệt

“Khi nhà đầu tư phố Wall nhận ra được giá trị phân tích kỹ thuật về mối liên quan giữa các cổ phiếu, họ vẫn tập trung vào cách làm thủ công với bút chì và giấy trong suốt giai đoạn từ khi tôi mới vào nghề thập niên 60 cho đến khi bị sa thải vào năm 1981”, ông Bloomberg nói về việc tại sao mình lại bắt đầu xây dựng công nghệ phân tích chứng khoán thời kỳ đó.

Ý tưởng của Bloomberg khi đó là xây dựng một hệ thống thông tin gồm nhiều kênh đầu tư khác nhau gồm chứng khoán, tiền tệ và qua đó làm rõ vị thế của từng công ty trên thị trường. Vì thế, xu thế trên thị trường sẽ trở nên rõ ràng hơn cũng như làm lộ rõ cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư. Bloomberg muốn tạo nên kho dữ liệu, phân tích chất lượng cao và bán dịch vụ cho các nhà đầu tư. Khi đó vị tỷ phú đã thuê 4 cựu đồng nghiệp tại Salomon để hoàn thành dự án này. 

Bộ phận đầu tư Capital Market Dision của Merrill Lynch là nơi đầu tiên hứng thú với sản phẩm của Bloomberg và ông đã đến gặp trực tiếp giám đốc bộ phận, khi đó là ông Ed Moriarty để chào bán một thứ thậm chí chưa được hoàn thành.

Trên thực tế, ông Moriarty không tin lắm vào khả năng hoàn thành sản phẩm của Bloomberg. Trong khi đó giám đốc bộ phận kỹ thuật, ông Hank Alexander của Merrill Lynch cho rằng công ty nên tự làm sản phẩm này thay vì thuê ngoài.

“Nếu chúng tôi không có thêm nhiệm vụ nào mới, chúng tôi có thể bắt đầu thực hiện nó sau 6 tháng nữa”, ông Alexander nói.

Ngay lập tức, Bloomberg cho biết ông và nhóm của mình có thể hoàn thành sản phẩm trong vòng 6 tháng và nếu công ty không thích chúng, họ sẽ không phải trả tiền.

Tại thời điểm đó, Bloomberg và nhóm cộng sự không có gì ngoài một ý tưởng để giúp đỡ các chuyên viên môi giới tài chính. Tuy vậy, vị tỷ phú này đã hứa hẹn không ngần ngại, như thể họ đã làm xong sản phẩm.

Rõ ràng, ông Bloomberg đã dựa vào khả năng thuyết phục để bán “tầm nhìn”, sau đó dựa vào độc quyền dữ liệu phân tích để mở rộng thị trường cũng như ngày càng trở nên nổi tiếng trong giới tài chính.

“Thương vụ đầu tiên đó không dễ dàng và nếu xét theo tiêu chuẩn đàm phán kinh doanh ngày nay, nó thậm chí thật buồn cười. Tuy vậy, chúng tôi đã làm được điều đó và thành công”, ông Bloomberg nhớ lại.

Ngay sau khi thử nghiệm thành công, Merrill Lynch đã đầu tư 30 triệu USD vào công ty của Bloomberg. Tính đến tháng 10/2015, đã có khoảng 325.000 cổng thông tin truy cập vào dịch vụ của Bloomberg được thuê từ các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.

Tính đến 9/11/2020, theo Forbes, tổng tài sản của ông Michael Bloomberg là 54,9 tỷ USD, được xếp hạng thứ 14 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes.

Không dừng lại với kinh doanh, tỷ phú Bloomberg còn được liên tiếp trúng cử chức thị trưởng thành phố New York từ năm 2002 đến năm 2009. Sự tận tâm với công việc khiến ông thu được danh vọng cực lớn từ các cử tri. Mặc dù là tỷ phú nhưng thị trưởng Bloomberg vẫn đi tàu điện ngầm bình dân đến cơ quan để có thể giao tiếp được với mọi người, lắng nghe các ý kiến. 

Bí quyết thành công là hạn chế rời khỏi bàn làm việc

Khi chia sẻ về bí quyết thành công của mình trong một chương trình truyền hình, Bloomberg nói một câu đơn giản: Các bạn hãy dậy sớm, đi ngủ muộn hơn, ăn trưa tại bàn làm việc và đừng đi tắm quá nhiều. Hãy tận dụng tất cả thời gian mà bạn có để làm việc và làm việc chăm chỉ hơn nữa.

"Tôi luôn cố gắng là người đầu tiên đến công ty vào buổi sáng và là người cuối cùng ra về mỗi buổi tối. Tôi không đi nghỉ nhiều, hạn chế rời khỏi bàn làm việc để đi tắm hay ăn trưa" - Bloomberg cho biết.

Với ông, bàn làm việc là nơi cần dành nhiều thời gian và dù mọi người có xem điều đó điên rồ tới mức nào, Bloomberg vẫn giữ quan điểm riêng.

"Bạn không thể điều khiển may mắn của mình hay bạn thông minh ra sao, nhưng có thể kiểm soát làm việc của mình. Đó là điều kiện tiên quyết nếu muốn thành công", ông nói. 

Có lẽ đây cũng chính là lý do mà Bloomberg LP cung cấp đồ ăn miễn phí tại nơi làm việc cho nhân viên để khuyến khích mọi người hòa nhập với nhau hơn và tất nhiên họ sẽ ít rời khỏi bàn làm việc để đi ăn trưa hơn.

Bloomberg LP không có một chính sách cụ thể nào quy định về việc sử dụng phòng tắm và nhà vệ sinh. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một số nhân viên thì nhà vệ sinh tại Manhattan của công ty này được thiết kế để nhân viên... “không thể nán lại lâu” do không gian chật hẹp và tiếng ồn xung quanh.

"Mọi người đều có những cơ hội khác nhau và các kỹ năng riêng, kết hợp với một phần may mắn trong cuộc sống. Theo kinh nghiệm của tôi thì càng làm việc chăm chỉ, càng tạo ra nhiều may mắn cho chính mình. Một người thành đạt vẫn phải liên tục học hỏi và đừng quá tham lam, phải biết cho đi sau khi đã nhận về ", tỷ phú Bloomberg chia sẻ.

Link gốc


  • 18/11/2020 03:18
  • Nguồn: doanhnhan.vn
  • 1295