Trong khủng hoảng toàn cầu, nhiều tập đoàn của Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ (Ảnh minh họa)
|
Năm 2010, doanh thu của Hyundai đạt 145 tỷ USD, cao hơn cả GM, Ford hay Honda. Bất chấp khủng hoảng, sang đến 2011, tập đoàn đa ngành này vẫn tăng trưởng 20%. Riêng 3 tháng đầu năm nay, thương hiệu này đã bán được hơn một triệu xe, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2011. Thu nhập ròng của Hyundai lên đến 2,16 tỷ USD.
Lượng xe tiêu thụ của Hyundai tăng mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Bí ẩn đằng sau thành công đó là khả năng thu hút khách hàng tới showroom ngay trong giai đoạn suy thoái.
Đơn cử, trong một nghiên cứu tại Mỹ, Hyundai ghi nhận 50% số người được hỏi từ bỏ ý định mua xe vì nguy cơ thất nghiệp trong tương lai. Theo đó, tập đoàn đưa ra một chiến thuật mạo hiểm, đó là khi khách mua xe trả góp bị mất việc, hãng sẽ trả giúp trong 3 tháng. Sau đó, nếu người dùng vẫn không có khả năng chi trả, công ty sẽ thu hồi xe.
"Vẫn biết cách thức marketing đó vô cùng mạo hiểm, nhưng đó là chiến lược marketing hiệu quả nhất mà một công ty Hàn Quốc thực hiện tại Mỹ", tạp chí Time phân tích.
Một bí quyết nữa của Hyundai là tận dụng tối đa phương pháp "hỏi - đáp" để nâng cấp sản phẩm mà không cần đợi phiên bản kế tiếp. Tháng 9/2011, trong lễ giới thiệu mẫu Veloster tại Mỹ, một kỹ sư phản ánh, các nhà báo cảm thấy xe thiếu mô-men xoắn ở vòng tua thấp. Hai tuần sau, bộ phận nghiên cứu truyền động của Hyundai thiết kế lại trục cam, khắc phục hiện tượng trên.
"Không phải đợi đến khi ra đời xe mới. Dù là khách hàng, nhà cung ứng linh kiện hay nhân viên đều có khả năng thay đổi sản phẩm", một kỹ sư của trung tâm công nghệ Hyundai (Mỹ) tiết lộ.
Hiện, 3 tập đoàn "gia đình trị" khổng lồ là Hyundai, LG và Samsung chiếm tới gần 40% tổng thu nhập quốc dân của Hàn Quốc. Theo tạp chí Manager (Đức), năm 2011, với lãi ròng 14 tỷ USD, Samsung tiến triển khá thuận lợi.
Chính giám đốc điều hành hãng Samsung, Yun Jong Yong, đã tiết lộ bí quyết thành công của họ. Đó là nhờ thuyết Sashimi - liên tục cung ứng sản phẩm "nóng" để bán với giá cao, trước khi nó trở thành "cá chết". Ông ví von, khi những con cá đầu tiên được câu lên, nó rất đắt và được bán cho các nhà hàng sang trọng. Sau đó, lớp cá thứ hai có giá chỉ bằng một nửa và nhiều nhà hàng sử dụng nó làm thực đơn hơn. Đến lần câu thứ ba, thứ tư thì nó sẽ được coi là "cá chết" vì chẳng mấy người trả giá. Điều này đã được Samsung thể hiện rõ trên thực tế khi liên tục tung ra những sản phẩm đời mới, bán giá cao dù sau đó sức nóng cùng mức giá có thể hạ nhiệt nhanh chóng.
Về LG, sau khi thành công với lĩnh vực sản xuất màn hình tinh thể lỏng, tập đoàn này tấn công các "đàn anh" ở Nhật Bản và đối thủ trong nước Samsung. LG hiện dựa trên hai trụ cột hóa học và điện tử. Năm 2010, LG Electronics đạt doanh thu 48 tỷ USD, với các sản phẩm chính là tivi, đồ gia dụng và điện thoại di động. Năm 2011, con số này tăng lên mức 48,97 tỷ USD, lợi nhuận được cải thiện từ 153 triệu USD của năm 2010 lên 253 triệu USD.
Lội ngược xu hướng của nhiều hãng điện tử gia dụng hiện nay là cách làm mà LG áp dụng để tạo nên sự khác biệt. Trong khi hàng loạt doanh nghiệp chuyển sang sản xuất đồ thiết yếu vì kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì tập đoàn này vẫn tập trung vào hàng công nghệ cao cấp dù giá đắt. Và nhờ thế, họ "sống khỏe" bất chấp khủng hoảng kinh tế, một điều tưởng như nghịch lý.
Một ví dụ là đầu năm 2012, LG Electronics tung ra thị trường Mỹ và Hàn một loạt các sản phẩm đi đầu về công nghệ hiện nay. Đó là robot hút bụi tự động, lò vi sóng "bắt bệnh" bằng smartphone... hay như tủ lạnh có hệ điều khiển cảm ứng, sử dụng công nghệ máy nén tuyến tính thay cho động cơ thông thường để giảm điểm ma sát, giúp tiêu hao ít năng lượng và tăng tuổi thọ sản phẩm. Kế đó máy giặt không ồn với động cơ dẫn động trực tiếp gắn trực tiếp vào lồng giặt thay cho dây cuaroa, giúp chuyển động nhanh hơn...
Giá những sản phẩm trên theo đó cũng không hề "nhuốm màu" khủng hoảng kinh tế, với mức cao gấp 2-3 lần so với hàng gia dụng loại phổ thông tương ứng. Tuy nhiên, sức bán của chúng tại 2 thị trường Mỹ và Hàn Quốc vẫn cao gấp nhiều lần dòng hàng bình dân.
Phó tổng giám đốc phụ trách marketing của LG Electronics cho biết, tập trung vào nhóm hàng công nghệ cao vẫn là hướng đi của hãng trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. "Sản phẩm tuy hơi đắt khi đầu tư nhưng tiết kiệm điện và độ bền cao nên có lợi cả quá trình lâu dài cho người sử dụng", ông nói.
Một lãnh đạo khác của tập đoàn này còn cho rằng, khi ngành điện tử đã phát triển đến một ngưỡng nhất định, một bộ phận người tiêu dùng đều sở hữu hàng gia dụng thông thường thì cần có "sức mạnh" để họ thay đổi. "Nếu công nghệ vẫn giậm chân thì khách hàng chỉ mua mới khi đồ cũ hỏng. Cần có sản phẩm vượt trội để kích thị trường", ông nói. Thực hiện điều đó, LG đã đầu tư 37 trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên toàn thế giới với tiêu chí "sản xuất cho tương lai".
Không thể phủ nhận tài năng, nỗ lực của các tập đoàn trên, song thành công của họ còn nhờ may mắn khi Hàn Quốc đầu tư mạnh tài chính cho lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác phát triển. Mục tiêu tiếp theo của đất nước này là công nghệ xanh và y tế.
Trong khi nhiều công ty lớn trên thế giới đều không tránh khỏi khủng hoảng, sự thành công của những tập đoàn "gia đình trị" trên được xem là đáng học hỏi. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Hyundai, LG, Samsung đã trải qua nhiều bài học đắng cay và trưởng thành từ những kinh nghiệm quý báu sau mỗi lần "vấp ngã".
Điều ông đánh giá cao là họ đầu tư rất mạnh vào khoa học công nghệ. Kế đó là chế độ quản trị kinh doanh hiện đại và trách nhiệm rõ ràng đối với người điều hành. Ngoài ra, tiến sĩ Doanh cho rằng những tập đoàn này còn may mắn khi kinh tế vĩ mô của Hàn Quốc tương đối ổn định. Nhờ vậy, họ không phải chịu những cú sốc quá lớn về tỷ giá, nợ xấu ngân hàng hay lãi suất ngân hàng cao.
"Doanh nghiệp Việt cũng có cơ hội làm được như vậy. Đầu tư có chiến lược, lâu dài vào khoa học công nghệ, quốc tế hóa nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chính sản phẩm chứ không phải mối quan hệ là chìa khóa vươn ra thế giới", tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ.