Các chương trình an sinh xã hội của EVN: Hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa xóa đói, thoát nghèo

Năm 2015, EVN tiếp tục chủ động tích cực tham gia công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Giúp dân thoát nghèo bền vững

Với vai trò là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, EVN luôn coi việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là vinh dự và trách nhiệm của Tập đoàn. Trong đó, việc đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa chưa có điện. 

Năm 2015, không chỉ đưa điện về với các xã, bản còn “trắng điện”, EVN còn đưa lưới điện quốc gia đến các xã đảo.

Tính đến cuối năm 2015, cả nước đã có 99,8% số xã và 98,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao năm 2015 - đạt 98%). Lưới điện đã góp phần to lớn trong việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, hải đảo; đồng thời là nền tảng, là động lực cho người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, thực hiện chương trình an sinh xã hội theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong giai đoạn 2009-2015, EVN đã hỗ trợ 3 huyện nghèo là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên của tỉnh Lai Châu với tổng số tiền 575 tỷ đồng.

Cụ thể, EVN đã đầu tư lưới điện nông thôn, cấp điện cho 18 xã “trắng điện”, các thôn, bản, hộ dân chưa có điện tại 3 huyện; xóa nhà tạm cho 2.511 hộ; xây dựng 41 nhà bán trú dân nuôi; xây dựng trung tâm đào tạo nghề, trường học nội trú; cấp kinh phí đào tạo cho các sinh viên được cử tuyển; hỗ trợ kinh phí cho các lớp bồi dưỡng khuyến nông, khuyến lâm...

Chương trình hỗ trợ của EVN giai đoạn 2009-2015 tại 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ đã góp phần vào thành công chung của công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trong giai đoạn này, tỉnh Lai Châu đã có 32.948 hộ thoát nghèo; trong đó, 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ đã có 16.098 hộ thoát nghèo, chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo toàn Tỉnh.

EVN hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ lớn vào cuối tháng 7/2015

Phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”

Không chỉ mang ánh sáng điện đến với các xã, bản còn “trắng điện”,  với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, năm 2015, EVN còn dành hàng chục tỷ đồng thực hiện công tác an sinh- xã hội. Hoạt động này có ý nghĩa lớn, thiết thực động viên CNVCLĐ vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

EVN cũng tiếp tục đóng góp cho các quỹ xã hội tại địa phương; thực hiện tốt công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng mái ấm công đoàn, nhà tình nghĩa… ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, xây dựng Bệnh xá huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa); ủng hộ tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả mưa lũ...

Đoàn Thanh niên Tập đoàn EVN cũng thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa như: Hỗ trợ sửa chữa điện cho các gia đình khó khăn ở các địa phương, tặng quà cho hộ nghèo và gia đình chính sách; tổ chức thăm và tặng quà cho các cụ già neo đơn không nơi nương tựa; thăm và tặng quà cho các cháu thiếu niên nhi đồng bị bệnh hiểm nghèo, các cháu bị ảnh hưởng chất độc dioxin, các cháu học sinh nghèo học giỏi, trẻ em mồ côi...

Ngoài ra, tuổi trẻ EVN cũng tích cực tham gia các nhóm tình nguyện tại các địa phương như: Nhóm bếp cơm tình thương giúp đỡ cho các bệnh nhân khó khăn ở các bệnh viện; tổ chức viếng và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ; phát động nhiều hoạt động tôn tạo, sửa chữa, vệ sinh các nghĩa trang, khu di tích, đài tưởng niệm...

Có thể nói, tham gia tích cực vào các chương trình an sinh - xã hội, từ thiện vốn là một nét đẹp văn hóa doanh nghiệp của EVN trong nhiều năm qua. Với tấm lòng “Tương thân tương ái”, các chương trình an sinh xã hội của EVN đã và đang  góp phần to lớn, tạo cơ sở vững chắc để người dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống... 

Ông Nguyễn Huy Kinh – Chủ tịch UBND xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu:

Mường Khoa là xã có 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước kia, đời sống của đồng bào vô cùng khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, từ khi có Chương trình 30a, đặc biệt là sự hỗ trợ của EVN…, đời sống người dân xã Mường Khoa đã có bước khởi sắc. Có điện, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng cao rõ rệt. Bà con đã biết áp dụng khoa học kĩ thuật, ứng dụng các mô hình hay vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Bộ mặt kinh tế - xã hội của xã thay đổi từng ngày.

Bà Lò Thị Tỵ – xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu:

Trước đây, gia đình chúng tôi phải sống trong căn nhà tạm bợ: Mưa thì dột, ướt; mùa đông thì gió rét; một cơn bão nhỏ cũng có thể làm ngôi nhà đổ sụp, phải dựng lại... Năm 2009, được EVN hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình tôi đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố, sạch sẽ, giúp gia đình tôi yên tâm sống và lao động. Từ khi có nhà mới, cuộc sống của gia đình tôi cũng đã có nhiều thay đổi, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. 

Chị Vũ Thị Thủy – xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh:

Nhờ ngành Điện, hơn 1 năm nay, người dân ở xã Ngọc Vừng đã không còn phải lo “hết điện”. Cũng nhờ EVN kéo lưới điện ra đảo, người dân nơi đây có thêm động lực để làm ăn kinh tế, vươn lên làm giàu.

 


  • 17/01/2016 11:25
  • Nguồn bài và ảnh: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1190


Gửi nhận xét