Các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống hưởng ứng IPU 132

Sáng 27/3, Lễ hội cầu mùa của người Nùng (Lạng Sơn) và lễ hội Sắc bùa của dân tộc Mường (Hòa Bình) đã được tái hiện sinh động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là những hoạt động chào mừng sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132.

Lễ hội cầu mùa của người Nùng được tổ chức mỗi dịp đầu xuân năm mới với mong ước cầu chúc cho mùa màng bội thu, làm ăn no đủ, nhà nhà sung túc. Trong không khí rộn ràng, nô nức của ngày xuân, hình ảnh con kỳ lân (kỳ lằn) của đồng bào xứ Lạng xuất hiện để cầu chúc năm mới may mắn, bình yên cho dân bản. Đó còn là một biểu tượng sinh động của mùa xuân, một nét đắc sắc, riêng có của xứ Lạng.

Theo phong tục, cứ đến ngày chính hội, bà con dân bản lại chuẩn bị các lễ vật để dâng cúng các vị thần linh và thổ công thành hoàng. Mâm lễ vật trong đó không thể thiếu gà luộc, các loại bánh như: khẩu sli, bánh khảo, pẻng khô (bánh bỏng)… Đây chính là sản phẩm của những bàn tay lao động, những món ăn đậm đà hương vị quê hương.

Chính giờ lành, Pú-mo - người chủ lễ đại diện cho cộng đồng dân bản thắp nén hương thơm, dâng rượu và thực hiện các nghi thức khấn lễ, cầu cho năm mới “làm gì cũng được, ước gì cũng nên, mùa màng bội thu, trâu bò đầy chuồng, lộc phúc muôn nơi”… Sau các nghi thức cúng lễ thành kính, kỳ lân vào múa hội trong tiếng nhạc rộn ràng cùng những câu lượn, câu si, câu then hoà ngây ngất, mời gọi khắp nẻo đường.

Những màn múa vui bằng các trò khỉ (lòng ná lình), vượn người (lò hán), đười ươi (báo đông) cho đến các bài võ cổ truyền dân tộc bắt mắt người xem, tôn lên tinh thần thượng võ. Bên cạnh đó, những trò chơi như: tung còn, đẩy gậy, kéo co, chơi yến. Ngoài ra đồng bào còn hát cho nhau những câu sli slong hàu (tức là hai mình) của người Nùng Phàn Xình trong những ngày hội cầu mùa; chơi trò “lảy cỏ” (trò chơi chuyện)… tất cả tạo nên những âm thanh rộn rã, tiếng cười vui náo nhiệt hoà trong chén rượu men lá ngây ngất làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng.

Cũng trong sáng ngày 27/3, Hội Sắc bùa (có nghĩa là xách cồng) cũng được tái hiện sinh động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là lễ hội lớn của người dân tộc Mường nói chung và người Mường ở Hòa Bình nói riêng, được diễn ra hàng năm vào ngày Tết cổ truyền. Trong ngày này, một phường bùa thường gồm 12 người trở lên biết đánh cồng thành thạo và hát những làn điệu dân ca dân tộc Mường sẽ đi thăm các gia đình trong bản và hát những lời chúc Tết. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian gắn với một số nghi lễ trong nông nghiệp nhằm cầu mong một năm mới phát tài, thịnh vượng, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, mọi người có nhiều sức khỏe và may mắn trong cuộc sống.

Tại buổi tái hiện, du khách đã được hòa mình vào những làn điệu dân ca Mường mượt mà trong không gian cồng chiêng cổ truyền rộn rã, được chứng kiến sự đón tiếp niềm nở và hiếu khách của các gia đình trong cộng đồng dân tộc Mường, được thưởng thức men rượu cần và món bánh uôi (hay còn gọi là bánh tình yêu) truyền thống.

Được biết, ngoài những hoạt động giới thiệu, tôn vinh văn hoá truyền thống các dân tộc Việt Nam của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự kiện Đại hội đồng IPU 132 sẽ có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới các đại biểu quốc tế trong đó đặc biệt là Đêm hội Đoàn kết Nghị viện sẽ diễn ra tối 29/3 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.


  • 30/03/2015 10:35
  • Nguồn tin: cinet.vn
  • 849


Gửi nhận xét