Chuyện “bếp núc” và tâm sự của người làm báo Tết

Làm báo Tết thường được Ban biên tập Tạp chí Điện lực ví như… “nấu cỗ” cho “đại công trường”, khâu chuẩn bị luôn làm cho “cả nhà” tất bật từ… giữa năm cho đến sát giờ “G”- đưa in ấn phẩm. Mệt, nhưng cũng rất vui. Vậy để có được những bài báo hay, trang báo đẹp, các bộ phận trong tòa soạn đã làm việc như thế nào? Hãy cùng PV, BTV Tạp chí Điện lực tìm hiểu một phần công việc “bếp núc” và tâm sự của những người làm báo.

PV Xuân Tiến: Trong năm, với mỗi chuyến công tác, tôi đều lưu ý đến những đề tài về đời sống văn hóa, tinh thần của CBCNV trong ngành, những tấm gương điển hình, hay những nội dung nhẹ nhàng, mềm mại để “ấp ủ” viết cho số Tết.

Nhớ lại thời điểm năm 2013, đến với công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu, không khí lao động vẫn rất nhộn nhịp dù đã cuối năm. Để đảm bảo tiến độ công trình, nhiều cán bộ, công nhân đã tình nguyện ở lại làm việc, đón Tết trên công trường. Khi tìm hiểu về cuộc sống, tâm tư tình cảm của anh em, tôi rất xúc động, cảm xúc cứ dâng trào, đặt bút viết “một lèo” và gửi ngay bài về Tòa soạn. Ấn phẩm Tạp chí đã kịp đến với anh em trong dịp Tết năm đó. Ngày đầu năm mới, tôi đã nhận được “lì xì” là cuộc điện thoại của một kỹ sư trên công trường với lời cảm ơn chân thành. Anh nói, Tết trên công trường năm nay vui hơn vì có Tạp chí Điện lực số Tết viết về anh em trên công trường. Đây thực sự là món quà vô giá đối với người làm báo.

PV Hồng Hoa: Giữa tháng 10, đang mải miết chạy theo tiến độ của các ấn phẩm tháng, những thông tin, sự kiện theo dòng thời sự của Tập đoàn, tôi nhận được thông tin của lãnh đạo phòng nhắc nhở về hạn bài số Tết. Một chút bâng khuâng khi một năm nữa sắp trôi qua, mùa xuân mới sắp đến... Cũng từ thời điểm này, công việc của chúng tôi tăng lên gấp bội với những lúc làm việc hầu như thâu đêm, sáng đi làm đôi mắt còn thâm quầng. Một bài viết phải nâng lên, đặt xuống dăm, bảy lần… không phải là chuyện hiếm.

Ấn tượng luôn đọng lại trong tôi là chuyến đi viết bài Tết, được “mục sở thị” niềm vui của hơn 8.000 hộ dân tỉnh Sơn La lần đầu tiên đón Tết có điện lưới quốc gia năm 2017. Những nụ cười hồn hậu, ánh mắt vui tươi của những cụ già, em nhỏ, nam thanh, nữ tú xúng xính trong bộ áo quần sắc mầu gây cảm xúc mạnh mẽ. Chúng tôi lắng nghe họ tâm sự, chia sẻ những dự định về một tương lai tươi sáng, khi lưới điện quốc gia đã về nơi bản làng nghèo khó này. Thực sự, đây là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của tôi.

BTV Đỗ Sơn: Nếu ví phóng viên giống như “thợ săn”, thì biên tập viên (BTV) là người chế biến, bày biện và cân đối sao cho mâm cỗ hài hòa cả về nội dung cũng như hình thức, có món chính, có món phụ... Để rút lại một cái tít (tiêu đề) bài báo, BTV có khi chỉ cần đọc qua nội dung là đã có tít hay, thế nhưng cũng có trường hợp nửa ngày vẫn chưa ra được tít ưng ý.

Mỗi khi làm báo Tết, các BTV thường xác định: “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Với những người làm công tác biên tập cũng gặp áp lực rất lớn về tiến độ, chất lượng công việc. Bài vở bù đầu, chúng tôi luôn tự nhủ phải tỉnh táo, cảnh giác với “khoảng trơ của mắt” khi biên tập bài. Không thể để sót lỗi trong số báo Tết vì điều ấy giống như hôm mồng một Tết, bạn ăn miếng bánh chưng và phát hiện có sạn. Thế nên nhiệm vụ của BTV là cẩn trọng, chau chuốt để mang đến cho bạn đọc một số báo đặc biệt trong dịp đặc biệt - Chào đón năm mới.

Thiết kế Nguyễn My: Nội dung của Tạp chí Điện lực số Tết đặc biệt, đòi hỏi hình thức cũng phải thật bắt mắt, màu sắc tươi sáng, rực rỡ, ý tưởng phải khác biệt. Với mỗi số Tết, chúng tôi thường phải “nhào nặn” tư duy, đưa ra ý tưởng thiết kế từ rất sớm, rồi “sản xuất” rất nhiều mẫu bìa trình lãnh đạo. Sửa đi, sửa lại nhiều lần mới có sản phẩm ưng ý.

Công việc thiết kế vốn luôn đòi hỏi sự sáng tạo và kỳ công, nhưng với số báo Tết thì  người thiết kế phải “phiêu” và cháy hết mình cho từng trang tạp chí. “Phiêu” mà vẫn phải hết sức tỉnh táo, bởi điều “đáng sợ” nhất của đội ngũ thiết kế là nhầm nội dung, nhầm ảnh, sửa morat sót, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Chúng tôi đã có nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” vì những sơ sót tưởng như… không tưởng này.

Thời điểm trước khi đi in Tạp chí các số Tết, cũng như các PV, BTV, đội ngũ thiết kế thường xuyên phải làm việc đến tối muộn trong nhiều ngày liên tục, làm bạn với “mỳ tôm, bánh kẹo”… trong các bữa tối, hối hả trả lời điện thoại từ gia đình: “Lúc nào vợ/chồng/bố/mẹ mới xong việc về nhà?”. Khi đó, thể chất ai cũng mệt mỏi, nhưng đầu óc vẫn luôn phải tỉnh táo, căng mắt để soát xét hàng chục ngàn con chữ, hàng trăm số liệu. Khi đưa in Tạp chí rồi, những ngày kế đó, dường như mọi người vẫn chưa trở lại “trạng thái bình thường” ngay được, vẫn… bâng khuâng, lo lắng. Cho đến khi cầm sản phẩm Tạp chí thơm mùi mực trong tay, chắc chắn là không nhầm lẫn, không sai lỗi, được độc giả đón nhận, niềm vui của chúng tôi mới thực sự trọn vẹn.


  • 01/02/2019 01:58
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1216