Chuyện cái phong bì và lọ chanh đào

Cũng ngày này, cách đây 1 năm, tôi còn nhớ như in khoảnh khắc tôi đến nhà thầy, tay run run, khúm núm vì phải đối diện với bậc tôn kính.

Tính tôi vốn nhát, hay sợ người lớn tuổi, nhất là thầy giáo thì càng sợ hơn. Nên với tôi, chuyện đến nhà thầy như một áp lực lớn, một việc làm quá khó khăn mà nếu trải qua việc ấy, tôi sẽ thấy nhẹ hẳn người, giống như đã làm được việc trọng đại vậy.

Ngày đó, tôi có nhờ thầy hướng dẫn cho một đề tài nghiên cứu, vì đề tài đã hoàn thành xong và muốn được bảo vệ sớm nên tôi tới nhờ vả thầy, nói khéo với thầy - hôm ấy, cũng vào giáp ngày 20/11.

Tôi run run bàn tay đưa cho thầy cuốn tài liệu mà tôi đã hoàn thành. Chỉ sợ thầy đọc không như ý, thầy sẽ quát mắng và không cho tôi cơ hội nên tôi sợ lắm. Nhìn mặt thầy nhăn nhó, tôi sợ quá, thầy bảo tôi: "Làm ăn thế này mà được à, ẩu quá, sơ sài, về làm lại cho tôi". Rồi thầy chỉ cho tôi tất cả những chỗ chưa được, những câu chưa hay, những cách diễn đạt còn sai. Thầy vừa nói, vừa ho, ho sù sụ nhưng thầy vẫn cố nói. Có vẻ như thầy đang ốm, nhưng vẫn cố chỉ bảo cho tôi.

Ảnh minh họa

Sau khi gấp rút sửa trong đêm ấy, hôm sau, tôi lại mang tài liệu đến nhà thầy. Lần này, nghe lời bạn bè xúi giục, tôi kèm theo phong bì đút vào tài liệu. Khi mở ra, thấy chiếc phong bì ở ngay trang đầu, thấy lẳng lặng, không nói gì. Thầy gập tài liệu lại, nói tôi mang về. Tôi sững sờ không hiểu chuyện gì xảy ra, tay run cầm cập. Thầy bảo: “Em về đi, thầy không nhận hướng dẫn học trò như thế. Thầy chữa bài cho em không phải để nhận chiếc phong bì này, cũng không phải vì chiếc phong bì này mà thầy không cho em được trình bày nghiên cứu khoa học. Nếu em coi thầy là người thầy như vậy, thầy nghĩ, em đã chọn lầm người hướng dẫn. Thầy cũng có con, nếu như con thầy cũng làm như vậy với các thầy cô khác, tôi sợ, gia đình mình sẽ không có đủ điều kiện nếu như sinh tới vài ba đứa và cũng đi học như em bây giờ”. Rồi thầy quay đi, ánh mắt thầy rất buồn.

Nghe thầy  nói câu ấy, tôi chua chát trong lòng. Thầy đang dạy tôi về đạo làm học trò và để tôi thấy được tấm lòng của thầy. Thầy đã làm tôi nhớ tới bố mẹ, người cũng đã nuôi lớn tôi trưởng thành. Nếu như tôi không cố gắng, chỉ biết dùng tiền để mong được giúp đỡ thì bố mẹ tôi thật sự rất khó khăn. Thầy làm tôi nghẹn ngào, không nói thành lời. Thầy đi lên phòng, ho sặc sụa, có lẽ vì quá buồn trước hành động của tôi.

Đêm ấy, tôi suy nghĩ cả đêm. Tôi nghĩ, chính mình đã làm thầy phiền lòng. Phải làm sao để khiến thầy vui trở lại, không còn giận mình nữa. Tôi đã cố gắng dành thời gian để nghiên cứu kỹ đề tài của mình, làm hết sức cẩn thận, tỉ mỉ để thầy không phải sửa nhiều.

Mấy ngày hôm sau, tôi đã mang tới nhà thầy công trình của mình và mang theo một lọ chanh đào. Tôi xin lỗi thầy về tất cả, hi vọng thầy tha thứ cho tôi và biếu thầy lọ chanh đào do chính tay tôi tự làm, hi vọng thầy sẽ ngậm và hết ho.

Thầy cười hiền từ, giống như nụ cười của ba tôi vậy. Nhìn khuôn mặt thầy, tôi thấy mình đã sai lầm rất nhiều và cảm thấy thương thầy biết bao. Hôm đó, thầy khen tôi tiến bộ. Về nhà, vài hôm sau, tôi gọi để hỏi thăm sức khỏe thầy. Thầy đã hết ho và cảm ơn lọ chanh đào của tôi.

Nhiều năm trôi qua, mỗi lần có dịp, tôi lại về thăm thầy. Thầy đã về hưu, nhưng vẫn yêu quý học trò, vẫn tận tụy với học trò nếu có ai cần thầy giúp đỡ. Năm nào tôi cũng về thăm thầy nhân ngày nhà giáo, dù có đi làm ở xa.


  • 20/11/2013 10:41
  • Theo Khampha.vn
  • 1573


Gửi nhận xét