Chuyện nghề kiểm tra, giám sát mua bán điện

Có lẽ do "duyên trời định", tôi đã chọn nghề điện và công tác trong ngành Điện suốt 24 năm qua. Ngần ấy thời gian công tác, từ anh thợ điện quản lý đường dây và trạm biến áp đến anh thợ điện lắp đặt gắn gỡ công tơ, không biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng khắc mãi trong tôi là những kỷ niệm của nghề kiểm tra giám sát mua bán điện – nghề mà tôi đã từng gắn bó 10 năm qua.

Câu “Nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề”, ngẫm lại, tôi thấy nó đúng với bản thân mình. Với tôi, công việc kiểm tra giám sát mua bán điện tại Điện lực Tuy An dường như là người bạn thân thiết để ngày càng gắn bó hơn với nghề thợ điện.

Năm 2013, hệ thống kiểm tra giám sát mua bán điện (KTGS MBĐ) được thành lập. Tôi được Giám đốc Điện lực Tuy An Trần Văn Huynh phân công về tổ KTGSMBĐ của Điện lực Tuy An. Lúc đó, tôi hơi e dè nhưng anh Huynh trấn an: “Em cố gắng. Anh tin em sẽ làm được”. Vậy là, tôi được chuyển sang làm một nhiệm vụ mới - một công việc hoàn toàn lạ lẫm là nghề KTGS MBĐ. Ngày mới bước vào nghề, trước mắt tôi, nào là những mẫu biên bản, những thông tư, nghị định, các văn bản pháp luật… đọc mãi đến hoa cả mắt. Những thứ ấy làm tôi cảm giác hơi xa lạ đối với một công nhân vốn dĩ chỉ quen với cái kìm và cột điện như tôi.

Và rồi, vì đam mê, vì lòng nhiệt huyết yêu nghề đã làm cho tôi “say” với công việc. Tôi đã thành thục với những mẫu biên bản, nắm vững kiến thức chuyên môn, bổ sung thêm những kiến thức pháp luật để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo giao.

Có vào nghề mới này mới biết cái khó, cái khổ của nó. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ, nghề KTGSMBĐ chắc là đơn giản, nhẹ nhàng. Nhưng không, thực tế nó còn nhiều gian truân và vất vả hơn gấp bội lần mình nghĩ. Những khó khăn cứ chồng chất, những áp lực công việc, những chỉ tiêu phát hiện trộm cắp điện cấp trên giao, trong tôi, lúc nào cũng thôi thúc phải làm sao và làm thế nào để có thể phát hiện được các vi phạm trong sử dụng điện.

Có những sự thành công khi phát hiện được một vụ trộm điện đã làm cho tôi phải suy nghĩ. Tôi đã cảm ơn những con người đã luôn đồng hành cùng mình, luôn giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn. Tôi luôn cảm ơn anh - một người khách hàng chân chính đã giúp tôi phát hiện được kẻ trộm điện “cao tay ấn”.

Đó là vào một ngày cuối năm 2013, trong thời tiết se se lạnh ở đất Phú Yên cùng những cơn gió bấc kèm theo mưa phùn làm cho tay chân chúng tôi cứ run bần bật, đôi môi cứ đánh “bồ cạp” khi đi ngoài lưới điện để kiểm tra khách hàng sử dụng điện. Hôm ấy, chúng tôi phát hiện hộ anh Q. sử dụng điện sai mục đích đăng ký.

Nhà anh Q.có 02 công tơ, một sinh hoạt và một cho sản xuất bơm tưới hoa màu. Công tơ bị phát hiện dùng sản xuất nhưng được câu điện để dùng cho sinh hoạt gia đình. Chúng tôi lập biên bản kiểm tra sử dụng điện và truy thu tiền điện do sử dụng điện sai mục đích theo quy định. Lúc đầu, cả hai vợ chồng anh không đồng ý và lấy lý do vì đường dây sau công tơ sinh hoạt bị hỏng nên câu tạm qua sử dụng. Sau khi được chúng tôi chứng minh, công tơ sản xuất được câu điện dùng thường xuyên và để không trả giá điện bậc thang cao cho công tơ sinh hoạt, lúc này, hai vợ chồng anh mới thú nhận cái sai của mình.

Có lẽ, trong công tác xử lý khách hàng vi phạm sử dụng điện, những người làm công tác này luôn thực hiện theo phương châm vừa có tình, vừa có lý. Làm sao để sau khi xong việc “công”, hôm sau gặp nhau còn đón nhận được nụ cười thân thiện của khách hàng. Với tôi, có lẽ, sự việc với anh Q. là "cái duyên". Sau vụ ấy, anh đã mách cho tôi vài chiêu trò trộm cắp điện khác của một số khách hàng là thợ điện hợp tác xã.

Tổ KTGSMBĐ Điện lực Tuy An tuyên truyền với khách hàng về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đúng quy định pháp luật

Một vụ khác, để không bị phát hiện, chúng tôi phải chọn thời gian đúng ngày ghi điện để khách hàng không nghi ngờ. Hôm ấy, trong vai một nhân viên ghi điện thực thụ, giả vờ mở nắp hộp công tơ để ghi chỉ số và kiểm tra nhanh sơ đồ đấu dây công tơ, phát hiện sơ đồ đấu nối bị sai giữa dây pha với trung tính, chì niêm tổ đấu dây còn nguyên vẹn, đĩa nhôm công tơ vẫn quay.

Nhận định ban đầu, khách hàng đảo dây pha và dây trung tính rồi dùng dây trung tính ngoài để trộm điện. Cái khó lúc này là làm sao để tìm được dây “trung tính ngoài”, tiếp cận nhà bằng cách nào, vào thời gian nào để khách hàng không xóa được dấu vết trộm điện bởi anh ta là một thợ điện chuyên nghiệp, nguyên trước đây là tổ trưởng quản lý điện của một hợp tác xã nông nghiệp.

Và rồi, phương án “phục kích" mới lại tiếp tục với quyết tâm thực hiện bằng được với vụ trộm này. Hai anh em chúng tôi chia nhau theo dõi, tìm hiểu và nắm bắt về thông tin sinh hoạt hàng ngày của khách hàng này. Mặt khác, chúng tôi tiếp cận những nhà xung quanh bằng cách như giả vờ hỏi mua cây cảnh với mục đích chính là tìm có dây trung tính nào câu móc từ các nhà khác không, hay anh ta tự làm tiếp đất trong nhà mình.

Cuối cùng, chúng tôi cũng phát hiện được hai sợi dây điện câu từ nhà bên cạnh sang nhà tắm của anh ta. Vậy là, kẻ trộm điện đã dần dần lộ diện với kiểu lấy cắp điện bằng cách đảo sơ đồ đấu dây rồi dùng trung tính ngoài để trộm điện. Bây giờ, cái khó là làm sao để có được chứng cứ, chứng minh khách hàng trộm điện. Tôi thầm nghĩ, chỉ có cách tốt nhất khi kiểm tra sử dụng điện là lúc ông T. vắng nhà, để đưa ông T. vào tình huống bất ngờ thì mình mới có thể dễ dàng thu thập được chứng cứ trộm điện tại hiện trường.

Chúng tôi vẫn bí mật kiểm tra công tơ vào ban ngày, ban đêm vào nhiều khoảng thời gian khác nhau trong ngày nhưng đĩa nhôm công tơ lúc nào cũng quay, sản lượng điện dao động từ 80kWh đến 100 kWh/tháng và ông T luôn có ở nhà. Đến mãi gần 5 tháng sau, dường như may mắn lại đến với chúng tôi.

Hôm ấy, trên đường đi kiểm tra khách hàng sử dụng điện khu vực xã An Mỹ, người đồng nghiệp ngồi phía sau xe bỗng reo to với vẻ đầy vui mừng: “Ông T. đang chạy xe phía trước kìa!”. Chúng tôi mừng rỡ vội quay đầu xe chạy ngược về lại nhà ông T. Lúc này, khi mới bước vào nhà gặp cô em gái của T, tôi xuất trình thẻ kiểm tra viên điện lực và yêu cầu cô em gái cho kiểm tra sử dụng điện nhà mình. Tôi vội vã ra phía sau nhà nơi có sợi dây điện câu hôm trước và lần theo dấu vết sợi dây - nó được đấu vào một bảng táp-lô chỉ có ổ cắm điện trong phòng bếp. Tôi chợt nghĩ, không lẽ, ông T chỉ câu điện từ nhà bên để sử dụng lúc nhà mình bị mất điện thôi sao. Linh tính dường như mách bảo tôi rằng, liệu có gì đó sau ổ cắm này chăng? Tôi vội dùng bút thử điện mở nắp ổ cắm điện. Thì ra, đây chỉ là ổ cắm trá hình. Dây trung tính được đấu tại đây và nối với tất cả các thiết bị điện trong phòng bếp, phòng ngủ để sử dụng điện mà công tơ không thể đo đếm được. Tang chứng tại hiện trường được chụp hình xong. Tôi thở phào nhẹ nhõm, bảo cô em gái gọi điện cho ông T. về gấp vì có mấy anh thợ điện đang cần gặp ông.

Khoảng 15 phút sau, ông T. về nhà, nét mặt dường như đã biến sắc. Tôi chào rồi hỏi: “Anh câu sợi dây điện từ nhà chú Bốn ở bên về nhà mình để làm gì?”. Ông T. bảo: “Hôm trước nhà bị mất điện, chờ mấy anh Điện lực đến sửa lâu quá nên tôi câu bên nhà chú dùng tạm. Mấy hôm nay, vì bận việc nên chưa tháo kịp. Giờ để tôi ra tháo”. Tôi ngăn lại và nói không phải, anh câu sợi dây điện đó để sử dụng điện cho các thiết bị điện nhà mình mà đồng hồ không đo đếm. Ông T. bình thản trả lời: “Đâu có, tôi dùng điện đồng hồ vẫn chạy mà, hàng tháng tôi vẫn trả tiền điện mà”.

Tôi nghiêm giọng: “Đúng rồi, nhưng nếu tôi tắt hết các thiết bị điện trong phòng khách, mở hết thiết bị điện gian bếp và phòng ngủ anh xem đĩa nhôm công tơ nó có quay không”. Tôi đưa cho ông T. xem ảnh đã chụp được tại ổ cắm điện trong gian bếp. Lúc này mặt anh tái xanh, nhợt nhạt và im lặng. Tôi gặng hỏi: “Anh làm việc này đã bao lâu rồi?”. Ông T. ấp úng nói: “Mới khoảng 3 tháng”. Sau hồi thuyết phục, ông T. đã ký vào biên bản kiểm tra sử dụng điện, biên bản vi phạm hành chính thừa nhận hành vi trộm cắp điện của mình với sản lượng truy thu được 5.800 kWh.

Nhờ phát hiện được vụ trộm điện của ông T. mà chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra khách hàng sử dụng điện thuộc nhóm đối tượng là thợ điện của các hợp tác xã nông nghiệp và phát hiện được thêm nhiều vụ vi phạm trộm cắp điện khác. Trong năm 2014, chúng tôi đã phát hiện được 18 vụ vi phạm trộm cắp điện với số tiền khách hàng phải bồi thường hơn 100 triệu đồng. Công tác phát hiện được nhiều vụ trộm cắp điện đã giúp cho đơn vị nhiều năm liền hoàn thành vượt mức kế hoạch KTGSMBĐ cấp trên giao và nhận được nhiều giải thưởng về chuyên đề KTGSMBĐ.

Link gốc


  • 11/01/2021 01:48
  • Nguồn: petrotimes.vn
  • 661